Quân sự thế giới hôm nay (27-2): Mỹ thử máy phóng điện từ, Đức không gửi tên lửa Taurus cho Ukraine
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:36, 27/02/2024
* Thủ tướng Đức tiếp tục bác bỏ việc chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus
Theo Kyiv Independent, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tục nhắc lại việc ông từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus tại cuộc họp báo ngày 26-2, chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Đức bác bỏ đề xuất kêu gọi cung cấp Taurus cho Ukraine.
Tên lửa Taurus, có tầm bắn lên tới 500km, đã trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm kể từ khi Ukraine gửi đề nghị được mua vũ khí này vào tháng 5-2023. Ông Olaf Scholz được cho là phản đối việc gửi tên lửa Taurus cho Ukraine do lo ngại động thái này sẽ lôi kéo Đức vào cuộc xung đột. Trong khi đó, Ukraine đã nhận được các loại tên lửa tầm xa khác như Storm Shadow của Anh và SCALP (phiên bản Storm Shadow ở Pháp) của Pháp.
Đức tiếp tục bác bỏ việc chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus. Ảnh: Kyiv Independent |
Trước đó, ngày 22-2, Quốc hội Đức đã nhất trí ủng hộ đề xuất cung cấp vũ khí tầm xa chưa xác định cho Ukraine và cũng trong ngày 22-2, Đức đã từ chối đưa tên lửa Taurus vào danh mục vũ khí cung cấp cho Ukraine.
Khi lặp lại những tuyên bố trước đây tại cuộc họp báo ngày 26-2, ông Scholz cho rằng hệ thống lấy phần tử bắn và khóa mục tiêu của tên lửa Taurus khác với hệ thống sử dụng cho tên lửa Storm Shadow và SCALP và binh sĩ Đức không được phép hiện diện ở Ukraine. Trong những lập luận trước đây về lý do Đức không gửi tên lửa Taurus cho Ukraine, ông Scholz cho biết ông lo ngại nhân viên Đức sẽ phải có mặt ở Ukraine để hỗ trợ quá trình xác định và ngắm bắn mục tiêu của tên lửa này.
Ông Scholz cũng cho biết những cuộc tranh luận xung quanh tên lửa Taurus là “rất khó chịu” và rằng sự tập trung vào tên lửa Taurus bây giờ là không cần thiết trong khi mối lo ngại cấp bách hơn hiện nay là tình trạng thiếu đạn ở Ukraine. Sau khoảng thời gian dài Quốc hội Mỹ bế tắc về vấn đề viện trợ cho Ukraine, viện trợ quân sự của Mỹ cho nước này đã dần cạn kiệt và bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực tác chiến trên chiến trường của binh lính Ukraine.
* HII thử nghiệm hệ thống máy phóng điện từ trên tàu sân bay John F. Kennedy
Theo một thông báo mới đây của HII, công ty này đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống phóng điện từ (EMALS) cho máy bay trên tàu sân bay John F. Kennedy (CVN 79). Hệ thống EMALS được thiết kế để thay thế máy phóng hơi nước được sử dụng trên các tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.
HII thử nghiệm hệ thống máy phóng điện từ trên tàu sân bay John F. Kennedy. Ảnh: Navy Recognition |
Thử nghiệm trên tàu sân bay John F. Kennedy bắt đầu bằng thử nghiệm “không tải" trên hai máy phóng điện từ đầu tiên và đã tiến tới thử nghiệm “tải trọng không đổi”. Ở giai đoạn này, các máng trượt có trọng lượng mô phỏng theo khối lượng máy bay được phóng xuống sông để kiểm chứng mức độ sẵn sàng sử dụng của hệ thống. Những cuộc thử nghiệm này là rất quan trọng để đảm bảo máy phóng điện từ có thể phóng tất cả các loại máy bay cánh cố định trên tàu sân bay.
John F. Kennedy là chiếc thứ hai trong số các tàu sân bay được chế tạo bởi Newport News Shipbuilding, cơ sở duy nhất của Mỹ thiết kế, chế tạo và tiếp nhiên liệu cho các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu sân bay Enterprise và Doris Miller cũng đang được đóng tại đây.
Hệ thống EMALS được General Atomics phát triển cho Hải quân Mỹ, sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính để phóng máy bay, mang lại khả năng tăng tốc mượt mà hơn và phóng được nhiều loại máy bay có trọng lượng khác nhau. Một trong những ưu điểm chính của EMALS là độ tin cậy và hiệu quả cao hơn so với máy phóng hơi nước, ít phải bảo trì và cần ít nhân lực hơn, chiếm ít không gian hơn, sử dụng ít năng lượng hơn, và có khả năng sạc lại nhanh hơn. EMALS cũng sẽ giúp tăng tuổi thọ của máy bay do khả năng kiểm soát tốc độ cuối chính xác hơn và tăng tốc mượt mà hơn, giúp giảm bớt áp lực lên khung máy bay.
* Quân đội Nigeria bác tin đảo chính
Ngày 26-2, quân đội Nigeria đã ra tuyên bố phủ nhận thông tin về một âm mưu đảo chính được cho là xuất phát từ trong quân đội. Bộ Quốc phòng Nigeria cho biết thông tin này là hoàn toàn sai và kêu gọi công chúng không bận tâm đến nó.
Quân đội Nigeria bác tin đảo chính. Ảnh: Africa News |
Tuyên bố được Bộ Quốc phòng đưa ra sau khi có thông tin từ trang Sahara Reporters cho rằng Đội cận vệ Tổng thống, một đơn vị quân đội tinh nhuệ chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống, đã được đặt vào tình trạng báo động cao vì nghi ngờ sẽ có một cuộc đảo chính xảy ra.
Thông tin trên Sahara Reporters còn cho biết Tổng thống Nigeria đã triệu tập nhiều cuộc họp khẩn. Đáp lại thông tin từ bài báo, Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng Nigeria nhấn mạnh cam kết của quân đội là bảo vệ và duy trì nền dân chủ ở Nigeria.
Hiện quốc gia Tây Phi này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và đã có nhiều cảnh báo cho rằng đất nước đang rơi vào thời điểm cực kỳ nguy hiểm.
Thông báo từ Bộ Quốc phòng Nigeria cũng yêu cầu các cơ quan chức năng lập tức có phản ứng thích đáng đối với hành vi “không yêu nước” của Sahara Reporters và Bộ Quốc phòng sẽ có động thái về mặt pháp lý, điều tra động cơ phía sau hành vi tạo ra căng thẳng không cần thiết trong vụ việc này.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)