Anh trai Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn được giảm án tù
Pháp luật - Ngày đăng : 18:15, 26/02/2024
Ngày 26/2, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ninh (trong đó có anh trai ruột của Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn).
Bị cáo Nguyễn Anh Dũng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét thêm các tình tiết, vai trò, hoàn cảnh gia đình, bản thân để giảm nhẹ một phần hình phạt, sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Bị cáo Tạ Hải Anh và Cao Việt Bách đều có đề nghị được xem xét như bị cáo Nguyễn Anh Dũng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng bản thân không phạm tội như truy tố ở phiên sơ thẩm nên kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo này phần nào thay đổi kháng cáo khi đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại hành vi của mình và căn cứ vào các quy định pháp luật để ra phán quyết. Bị cáo sẽ chấp hành.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, HĐXX quyết định giảm một phần hình phạt cho bị cáo Nguyễn Anh Dũng từ 36 tháng tù xuống còn 20 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương (cựu Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC) được giảm từ 6 năm tù xuống 4 năm tù; Tạ Hải Anh (cựu Trưởng Ban xuất khẩu lao động Công ty AIC) được giảm từ 18 tháng tù xuống 12 tháng tù và Cao Việt Bách (cựu Tổng Giám đốc Công ty BVA) cũng được giảm từ 18 tháng tù xuống 12 tháng tù, đều về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với 12 bị cáo khác của vụ án, do không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị và mức án tại cấp sơ thẩm áp dụng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời phù hợp với tính chất mức độ phạm tội gây ra nên HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao không xem xét.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm chiều 26/10, TAND tỉnh Quảng Ninh quyết định tuyên phạt các mức án khác nhau đối với 16 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu, xảy tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế và Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh”, gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng.
Cụ thể, Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là vụ án thứ 3 bị cáo Nhàn phải lĩnh án, đều liên quan đến sai phạm về đấu thầu. Trong đó, bản án tại vụ án sai phạm về đấu thầu ở tại Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai đã có hiệu lực pháp luật.
Các bị cáo có vai trò giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC, hiện bỏ trốn) bị tuyên phạt 7 năm tù; Trương Thị Xuân Loan (cựu Trưởng Ban QLDA 3 Công ty AIC, hiện bỏ trốn) bị tuyên phạt 5 năm tù; Nguyễn Thị Tích (cựu Trưởng phòng hồ sơ pháp chế của Công ty AIC, kiêm Tổng giám đốc Công ty Mopha, hiện bỏ trốn) bị tuyên phạt 3 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng Công ty AIC) bị tuyên phạt 30 tháng tù.
Các bị cáo khác trong nhóm giúp sức cho bị cáo Nhàn tại Công ty AIC và các đơn vị liên quan cũng lần lượt bị tuyên phạt với án tương xứng.
Với nhóm bị cáo thuộc cơ quan Nhà nước và cũng với tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Hoàng Đình Sơn (cựu Phó Trưởng ban quản lý dự án Sở Y tế Quảng Ninh) bị tuyên phạt 36 tháng tù; Nguyễn Quý Thịnh (cựu Trưởng phòng hành chính - tổng hợp thuộc Ban QLDA) bị áp dụng 24 tháng tù và Phạm Ngọc Dũng (cựu chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế Quảng Ninh) cũng phải nhận 24 tháng tù.
Về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Lương Văn Tám (cựu Giám đốc Ban QLDA, Sở Y tế Quảng Ninh) bị tuyên phạt 30 tháng tù; Lê Thị Phú (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Quảng Ninh) cũng bị áp dụng 30 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009 với tổng vốn 135,645 tỷ đồng. Đến năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện này là hơn 238 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thông đồng với các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế (thuộc Sở Y tế), Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh tổ chức việc móc nối đấu thầu để trúng cả 6 gói thầu trên.
Cơ quan tố tụng xác định, giá trị trang thiết bị của 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (số tiền hơn 237,3 tỷ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.