Sự thúc đẩy kinh tế của Taylor Swift bị thổi phồng quá mức
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 15:10, 26/02/2024
Brendan Rynne, nhà kinh tế của KPMG - một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới - cho biết bất chấp sự cường điệu của giới truyền thông xung quanh cái gọi là “Swiftonomics” (nền kinh tế Taylor Swift – PV) và “Swiftflation” (ám chỉ tác động tăng lạm phát của show diễn Taylor Swift), mức tăng ròng đối với GDP từ chuyến lưu diễn Australia của nữ ca sĩ người Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với hầu hết dự đoán trước đó.
“Có nhiều ước tính The Eras Tour sẽ mang lại thêm 140 triệu USD cho nền kinh tế, trong khi những đêm diễn lên tới 500 triệu USD và thậm chí hơn một tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế là tác động kinh tế ròng có thể sẽ ít hơn nhiều”, Tiến sĩ Rynne cho biết trong phân tích mới được công bố.
The Eras Tour của Taylor Swift.
Tăng chi tiêu
Swiftie (Fan của Taylor Swift – PV) được cho là sẽ chi khoảng 140 triệu USD để mua vé xem nữ ca sĩ. Khoảng 98% số vé mua được mua bởi người bản địa, điều này sẽ không có tác động kinh tế ròng đối với báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý tháng 3.
Sự phục hồi kinh tế thực sự đến từ du khách quốc tế bay tới Australia để xem siêu sao nhạc pop diễn tại hai thành phố lớn nhất đất nước này. Chi tiêu của họ sẽ được tính là xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch.
Tiến sĩ Rynne cho biết dữ liệu trước COVID-19 cho thấy du khách quốc tế trung bình đến Australia ở lại 11 ngày và chi khoảng 6000 USD.
“Dựa trên giả định người hâm mộ quốc tế trung bình cũng có mức chi tiêu tương tự, ngoài khoản chi 500 USD cho buổi hòa nhạc, họ có thể chi thêm 5.500 USD” - ông nói.
Khoảng 25% tổng doanh thu của Taylor Swift có thể sẽ được trả cho chi phí dàn dựng, tháo dỡ sân khấu, thúc đẩy hoạt động hơn nữa vào nền kinh tế. Theo tiến sĩ Rynne, chi phí chủ yếu được trả là nhân công.
“Tác động kinh tế bị cường điệu”
Tiến sĩ Rynne đánh giá Taylor Swift đã đi đúng hướng để kiếm được 110 triệu USD lợi nhuận trước thuế từ chuyến lưu diễn ở Australia.
Một phần lợi nhuận này có thể được chuyển đến cá nhân nữ ca sĩ dưới dạng phí và cô sẽ bị đánh thuế theo mức thuế suất cận biên (tỷ lệ phần trăm tính trên đồng đô la tiếp theo của thu nhập chịu thuế phải nộp – PV) của nước này.
Chuyên gia nhận định các buổi hòa nhạc ở Sydney và Melbourne của Taylor Swift sẽ chỉ đóng góp thêm 10 triệu USD vào nền kinh tế Australia, trong khi đó nữ ca sĩ có thể thu về hơn 100 triệu USD lợi nhuận từ chặng lưu diễn tại Australia thuộc khuôn khổ The Eras Tour.
Phần còn lại sẽ được chuyển cho công ty ở nước ngoài của nữ ca sĩ, có thể được hưởng lợi từ mức thuế khấu trừ 5% theo hiệp định thuế Mỹ- Australia. Taylor có lợi nhuận sau thuế là 101,7 triệu USD, trừ đi hoạt động trong tài khoản quốc gia vì nó được coi là nhập khẩu dịch vụ.
Tiến sĩ Rynne ước tính hiệu quả kinh tế ròng của The Eras Tour ở mức 10 triệu USD, tương đương 0,002% GDP.
Giám đốc Event Pty Ltd Simon Thewlis đồng tình với những ước tính về mức tăng trưởng kinh tế từ các buổi hòa nhạc của Taylor Swift đã bị thổi phồng quá mức.
“Nghệ sĩ thu về rất nhiều tiền từ việc bán vé và hàng hóa, vật phẩm. Toàn bộ chương trình được vận chuyển từ Mỹ. Vì vậy, tỷ lệ lớn USD cũng sẽ chảy về Mỹ” - ông nói.
Theo báo cáo mới từ ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, chuyến lưu diễn toàn cầu của Taylor chắc chắn đã giúp ích cho nền kinh tế địa phương. Nhưng ngân hàng đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của tour diễn đối với dữ liệu quốc gia.
Nhà kinh tế toàn cầu Si Ying Toh của Nomura tin rằng việc thúc đẩy tiêu dùng của Taylor Swift chắc chắn thu hút các nhà phân tích kinh tế, nhưng tổng tác động kinh tế vĩ mô có thể đã bị thổi phồng quá mức.
Theo ước tính của Nomura, từ quý 1 đến quý 3/2023, tour diễn của Taylor Swift đã nâng doanh số bán lẻ danh nghĩa của Mỹ lên 0,03% và tổng sản phẩm quốc nội thực tế thêm 0,02%.
Theo tính toán của doanh nghiệp, trong cả năm 2023, chuyến lưu diễn của nữ ca sĩ chiếm 0,5% mức tăng trưởng tiêu dùng danh nghĩa.
Theo dữ liệu STR được Toh trích dẫn, các điểm dừng trong The Eras Tour đã chứng kiến sự gia tăng 3,1 điểm phần trăm do lạm phát trong tháng Taylor Swift đến thăm. Dữ liệu từ nền tảng đặt phòng khách sạn Trivago cho thấy mức tăng tương tự.
Nhìn cụ thể vào Chicago, Toh ước tính giá khách sạn đã tăng 3,1 điểm phần trăm nhờ ba buổi biểu diễn của nữ ca sĩ ở đó. Thành phố đông dân thứ ba ở Mỹ chứng kiến tỷ lệ lấp đầy tăng 8,1 điểm phần trăm và doanh thu khách sạn trên mỗi phòng tăng 59% trong thời gian Taylor Swift mở tour.
Từ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tiểu bang Illinois đã tăng 0,5 điểm phần trăm chỉ tính riêng chuyến lưu diễn của nữ ca sĩ. CPI là chỉ số giá tiêu dùng là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian.
Toh chỉ ra những cải tiến này ít có khả năng hiện thực hóa trong số liệu thống kê cấp quốc gia từ các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, bà cho rằng tour diễn lớn này vẫn đáng được coi là chất xúc tác kinh tế tiềm năng ở nhiều nước trên toàn cầu.
Trên bình diện quốc tế, các nền kinh tế nhỏ như Singapore và Thụy Điển có thể nhận được sự thúc đẩy vĩ mô lớn nhất từ tour diễn của Taylor Swift.
“Những tác động ngoại sinh đóng vai trò quan trọng trong mô hình kinh tế, cho dù dưới dạng sự kiện thời tiết khắc nghiệt, đại dịch hay buổi hòa nhạc pop. Trong những năm gần đây, các chuyến lưu diễn đã phát triển không chỉ trở thành hiện tượng xã hội mà còn có tiềm năng trở thành động lực quan trọng cho hoạt động kinh tế” - Si Ying Toh phân tích.
Theo Tiền Phong