Quân sự thế giới hôm nay (25-2): Hải quân Mỹ nhận UAV tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray, Nga phát triển TOS-3 Dragon

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:23, 25/02/2024

Quân sự thế giới hôm nay (25-2) có những nội dung sau: Boeing giao UAV tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray đầu tiên cho Hải quân Mỹ, Nga phát triển TOS-3 Dragon, Ghana có máy bay cường kích hạng nhẹ A-29 Super Tucano mới.

* Boeing giao UAV tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray đầu tiên cho Hải quân Mỹ

Vào giữa tuần này, Boeing Defense thông báo đã giao máy bay không người lái tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray đầu tiên cho Hải quân Mỹ trong giai đoạn kiểm tra cấu trúc máy bay. Đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển và cấp giấy chứng nhận cho bất kỳ máy bay nào, bao gồm cả MQ-25 Stingray của Boeing. Các thử nghiệm này nhằm mục đích kiểm tra độ bền cũng như độ tin cậy của cấu trúc máy bay dưới nhiều áp lực khác nhau mà phương tiện có thể gặp phải trong quá trình vận hành.

MQ-25 là máy bay không người lái đầu tiên của lực lượng hải quân được thiết kế để tiếp nhiên liệu cho các máy bay hoạt động trên tàu sân bay, như F/A-18 Super Hornet, E-2D Hawkeye và F-35C Lightning II. Ngoài khả năng tiếp nhiên liệu, mẫu UAV còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ thu nhập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát.

Hình ảnh một chiếc MQ-25 Stingray của Boeing. Ảnh: Hải quân Mỹ 

Hải quân Mỹ dự định sẽ mua hơn 70 UAV tiếp nhiên liệu nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng Không quân trên tàu sân bay. Theo Boeing, sau khi đi vào hoạt động, MQ-25 sẽ giúp mở rộng phạm vi và khả năng của lực lượng Không quân Hải quân Mỹ.

MQ-25 Stingray được trang bị động cơ Rolls-Royce AE 3007N cung cấp lực đẩy hơn 10.000lb (tương đương 4.535kg) và có khả năng mang theo 6.800kg nhiên liệu. Với tầm hoạt động khoảng 900km, UAV tiếp nhiên liệu này giúp tăng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu lên gần gấp đôi.

* Nga phát triển hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng TOS-3 Dragon

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga mới đây đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống pháo phản lực nhiệt áp hạng nặng với tên gọi TOS-3 Dragon. Đây là sản phẩm nối tiếp thành công của TOS-1A Sontsepek và TOS-2 Tosochka.

Cho đến nay, các chi tiết liên quan đến hệ thống này như giai đoạn phát triển của dự án cũng như thời gian thực hiện và khả năng sản xuất hàng loạt vẫn chưa được tiết lộ. Army Recognition dẫn các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, thiết kế của TOS-3 "Dragon" là tổng hợp những đặc điểm ưu việt của các mẫu tiền nhiệm. Lựa chọn khung gầm xe tăng T-72 hoặc T-90 dự báo sẽ mang lại sức mạnh và tính cơ động của hệ thống trên chiến trường. Bên cạnh đó, TOS-3 còn kế thừa cơ chế phóng từ TOS-2 Tosochka giúp nâng cao đáng kể hiệu quả nạp đạn, một yếu tố quan trọng trong chiến đấu.

TOS-3 Dragon sẽ được đặt trên khung gầm xe bánh xích như TOS-1. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Dòng vũ khí TOS do Nga phát triển để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, chủ yếu tập trung vào tiêu diệt sinh lực của đối phương, công sự và xe bọc thép hạng nhẹ. Với công nghệ và vũ khí tiên tiến, các hệ thống này là một trong những loại vũ khí mạnh nhất hiện nay. Sức mạnh hủy diệt của dòng pháo phản lực hạng nặng này là các loại đạn nhiệt áp (TBX) và đạn nổ nhiên liệu - khí (FAE).

TOS-1, phiên bản đầu tiên của dòng vũ khí này, được ra mắt vào cuối những năm của thập niên 80, gây chú ý nhờ khả năng tích hợp trực tiếp với khung gầm xe tăng, mang lại khả năng bảo vệ và cơ động cao. Sau đó, các phiên bản khác, bao gồm TOS-1A Solntsepyok và TOS-2 lần lượt ra đời với những cải tiến về tầm bắn cũng như hỏa lực. Sự ra đời của TOS-3 "Dragon", kế thừa những tính năng ưu việt từ các hệ thống tiền nhiệm, sẽ đánh dấu sự phát triển liên tục của dòng vũ khí này.

* Ghana trình làng máy bay cường kích hạng nhẹ A-29 Super Tucano

Military Leak đưa tin, Không quân Ghana vừa phối hợp với Embraer Defense và Tập đoàn Sierra Nevad tổ chức buổi trình diễn khả năng thích ứng của máy bay tấn công hạng nhẹ A-29 Super Tucano trong nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu tại Căn cứ Accra.

Được thiết kế và chế tạo bởi Tập đoàn Embraer và cũng được sản xuất tại Mỹ thông qua quan hệ đối tác với Tập đoàn Sierra Nevada, A-29 Super Tucano có tính cơ động cao, có thể hoạt động ở nơi có nhiệt độ cao và địa hình gồ ghề. Máy bay cường kích hạng nhẹ của Brazil này dài 11,38m, sải cánh 11,14m, trọng lượng cất cánh tối đa là 5.400kg, tốc độ tối đa lên tới 600km/giờ và phạm vi tấn công lên tới 1.100km. Với bán kính chiến đấu 540km, A-29 Super Tucano có thể tấn công hiệu quả trong môi trường đô thị hoặc các tình huống chiến đấu tập trung.

Một chiếc A-29 Super Tucano. Ảnh: Embraer

Về vũ khí, A-29 Super Tucano được trang bị 1 pháo 20mm dưới thân với khả năng bắn 650 viên/phút, 1 súng máy 12,7mm (FN Herstal) dưới cánh và tối đa 4 khẩu Dillion Aero M134 7,62mm có thể bắn tới 3.000 viên/phút. Máy bay cũng được trang bị tên lửa 70mm, tên lửa không đối không AIM-9L Sidewinder, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick và bom dẫn đường chính xác. Ngoài ra, máy bay còn sử dụng máy đo khoảng cách bằng laser và vũ khí dẫn đường laser.

Ngoài Mỹ và Brazil, dòng máy bay cường kích này đang được đưa vào sử dụng ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm Chile, Columbia, Indonesia, Afghanistan, Philippines... Với tính linh hoạt cao, máy bay này có thể thực hiện đa dạng các nhiệm vụ, từ tấn công đến giám sát và đánh chặn trên không.

TRẦN HOÀI(tổng hợp)