Hai năm ngày Nga tấn công Ukraine: súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, hòa bình vẫn mù mịt
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 13:34, 24/02/2024
Khoảng 06:00 ngày 24/2/2022 (giờ Moskva), Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về một "chiến dịch quân sự đặc biệt" với mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" tại Ukraine.
Vài phút sau, tên lửa từ khắp các hướng tập kích Ukraina, bao gồm cả thủ đô Kyiv. Hàng đoàn xe quân sự, súng ống và xe tăng từ Krym, Belarus ào ạt xộc vào biên giới Ukraine. Thế Putin luôn khẳng định mục tiêu cuộc tấn công này là ‘phi phát xít hóa’ dù chẳng ai thấy bằng chứng nào ở nước láng giềng. Người Ukraine và cả thế giới gọi thẳng đây là cuộc xâm lược.
Cuộc hành quân vô cớ mà Putin xua quân đi đã khởi đầu vô số những thiệt hại và đau khổ về nhân mạng lẫn tài sản ở nước láng giềng.
Hai giờ sau khi quân Nga tiến sâu vào lãnh thổ, Tổng thống Ukraina ban bố thiết quân luật, lệnh tổng động viên toàn quốc đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.
Cuộc xâm lược bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, nhiều lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga và một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi nước này rút quân trong khi các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh diễn ra hàng loạt tại Nga cùng nhiều nước khác.
Sau một tuần nổ súng, báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy đã có hơn 1 triệu người Ukraine rời quê hương tìm đường tị nạn, nhiều nhất là qua ngả Ba Lan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ v..v. Sau 3 tuần, con số trên tăng lên hơn 3,1 triệu người, đa số là phụ nữ và trẻ em.
Công dân Ukraine từ 18 đến 60 tuổi được lệnh cấm rời khỏi đất nước, trừ người khuyết tật và người có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho ba con trở lên. Hơn 66 ngàn người Ukraine sinh sống khắp thế giới trở về để chiến đấu bảo vệ quê hương.
Hôm nay, cuộc xung đột đã tròn 2 năm, tình hình trên chiến trường vẫn bất phân thắng bại, với việc cả Nga và Ukraine đều chưa có bước ngoặt đột phá làm thay đổi diễn biến.Súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, thù hận vẫn bao trùm, chỉ có hi vọng hòa bình là bế tắc.
Nga ngày càng giành thêm nhiều lãnh thổ nhưng phải hứng chịu tổn thất về binh sĩ và thiết bị. Trong khi đó, Ukraine, đã không đạt được các mục tiêu trong cuộc phản công hồi mùa hè, đang chuyển sang thế phòng thủ, dựng thêm nhiều công sự mới để dồn sức bổ sung lực lượng.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận “thực tế mới về lãnh thổ”, gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea. Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea.
Năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Nga nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra không thực tế.
Quy mô thương vong của cả hai bên là một bí mật quốc gia được bảo vệ chặt chẽ. Ước tính hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị thương. Ngoài thương vong, chiến tranh còn tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống người Ukraine.
Tháng 8/2023, UNICEF cho biết chỉ có khoảng 1/3 trẻ em trong độ tuổi đi học trên khắp Ukraine đến lớp. Hơn 1.300 trường học đã bị phá hủy hoàn toàn tại các khu vực do chính phủ kiểm soát trên cả nước.
Một giáo viên tên Anisimova ở ngoại ô Kyiv nói với Reuters là kiểu học trực tuyến quá lâu là rất có hại, vì bản chất nó không thay thế được lớp học: “Ít nhất là nó tác động lớn đến trẻ em, đến khả năng xã hội của chúng vì không có cơ hội giao tiếp’.
Hiệu trưởng Iryna Pototska cho biết khoảng 40 trong số 136 học sinh của trường có phụ huynh hiện đang được điều động và phục vụ trong quân đội, trong khi các bà mẹ tham gia các hội đoàn ở địa phương để ủng hộ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho tiền tuyến. Những mạng lưới tình nguyện như vậy đã mọc lên khắp đất nước, một nguồn cung cấp quan trọng cho binh lính, trong bối cảnh lực lượng vũ trang bị dàn trải quá mức.
Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 8.000 người - thường dân và binh lính - đang bị Nga giam giữ do xung đột. Khoảng 3.000 người, hầu hết là quân nhân, đã được trả tự do trong hàng chục cuộc trao đổi tù binh giữa hai bên. Nhưng đến nay vẫn còn hàng chục ngàn gia đình vẫn đau đáu tin tức số phận con em mình sau khi bị lính Nga bắt giữ.
Ukraine bị tấn công, là chiến trường chính và thiệt hại nhiều hơn trong 2 năm qua. Dĩ nhiên, sự ủng hộ và tinh thần ‘đồng minh’ từ quốc tế mà họ nhận được là cao hơn. Theo Cơ quan Theo dõi Hỗ trợ Ukraine của Viện Kiel (Mỹ), kể từ khi bắt đầu chiến cuộc, EU và các đồng minh khu vực đã chi hơn 100 tỷ USD tài trợ cho nỗ lực quốc phòng của Ukraine. Viện Kiel Hoa Kỳ đã chi 66 tỷ USD, và 60 tỷ USD nữa đang được chuẩn bị.
Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý gói hỗ trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine từ nay đến năm 2027. Vương quốc Anh, được cho là nước đóng vai trò an ninh lớn trong khu vực, cũng đã cam kết cấp hơn 15 tỷ USD cho Ukraine kể từ năm 2022.
Những con số chỉ như muối bỏ bể, hai năm chiến tranh, người Ukraine vẫn vật lộn với cuộc sống: các mối quan hệ gia đình và bạn bè tan vỡ, trẻ em không thể đến trường, nền kinh tế điêu đứng vì thiếu lao động.
Những nghĩa trang mới, mộ tập thể, khu tưởng niệm đã xuất hiện mọi nơi trên khắp Ukraine. Và ở các giao thông hào, vẫn đầy những hộp sọ, xương cốt lính Nga phơi trắng cạnh những quân trang rơi vãi. Cái chết và sự khổ đau vẫn là nhân vật chính tại Ukraine sau hai năm khói lửa.