Trời nắng nóng, cảnh báo đột quỵ
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 12:23, 24/02/2024
Thống kê tại các cơ sở y tế vào mùa hè ghi nhận số lượng người bệnh nhập viện cấp cứu tăng cao gấp 3 lần so với các thời điểm còn lại. Trong số đó, các trường hợp sốc nhiệt và đột quỵ não, rối loạn điện giải, viêm phổi chiếm đa số.
Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp,… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40 độ C), hôn mê…
Triệu chứng đột quỵ do nắng nóng
Triệu chứng điển hình nhất là nhiệt độ cơ thể tăng cao, có khi lên đến 40oC, kèm theo ngất xỉu. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác, bao gồm:
- Đau nhức đầu, choáng váng, hoa mắt.
- Không đổ mồ hôi, mặc dù cơ thể đang rất nóng
- Da đỏ, khô, nóng hừng
- Chuột rút, tê người
- Thở nông, tim đập nhanh
- Những thay đổi về hành vi, như rối loạn tâm thần, mất phương hướng
- Buồn nôn, phát cơn co giật, động kinh
Cách sơ cứu khi bị đột quỵ do nắng nóng
Nếu nghi ngờ người thân hoặc ai đó đang lên cơn đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trong khi chờ cấp cứu, nên đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu nhận thấy thân nhiệt nạn nhân quá nóng, hãy dùng mọi cách để làm mát cho họ như:
- Dùng quạt để làm mát, áp khăn thấm ướt lên người nạn nhân.
- Chườm nước đá vào các vùng bẹn, nách, vì đây là những vị trí có nhiều mạch máu gần với da, khi được làm mát có thể nhanh chóng làm giảm thân nhiệt.
- Cho nạn nhân vào bồn tắm, xả nước mát vào.
Những lưu ý để tránh đột quỵ do nắng nóng
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), để bổ sung dinh dưỡng trong thời tiết nắng nóng, các gia đình cần thay đổi cách chế biến món ăn hằng ngày, tăng cường món canh để bổ sung nước.
Đối với trẻ em và người già nên lựa chọn bổ sung những món ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, xúp và chia thành nhiều bữa ăn trong ngày. Cần chú ý bảo quản và chế biến thức ăn trong mùa nắng nóng, nhiệt độ cao khiến nhiều loại vi khuẩn xâm nhập dễ gây các bệnh về tiêu hóa.
Bên cạnh đó, ngoài việc uống nước lọc để bổ sung nước, có thể uống nhân trần, trà xanh, nước trái cây hoặc các loại nước khoáng bổ sung vi chất.
Đối với những người làm việc ngoài trời, ngoài việc uống nước lọc nên bổ sung các loại nước chứa muối và khoáng chất, nước pha oresol.
Nên uống các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường...
Mùa nắng nóng nên mặc quần áo nhẹ, rộng, màu sáng, tránh mặc đồ bó khó chịu, đội mũ rộng vàng và nên đeo kính bảo vệ mắt. Khi ra ngoài, cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát.
Hạn chế rượu bia hoặc cà phê, bởi thành phần cồn và cafein sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn, dễ dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng.
Không nên tắm sau khi đi ngoài nắng: Hiện nhiều người vẫn có thói quen tắm ngay sau khi đi ngoài nắng, hay ở nhà vẫn tắm thường xuyên để giải tỏa cơn nóng nực, đây là thói quen, quan điểm không chính xác, có hại cho sức khỏe.
Bởi vì cơ thể đang ở ngoài nắng với nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục. Chúng ta không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, đợi khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không có lợi cho sức khỏe.
Nên hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian từ 10h - 16h.