Từ Xuân Trường, thấy gì về bài học xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam?

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 15:28, 23/02/2024

Nếu như cầu thủ Việt Nam có thêm mùa giải thứ 2 ở các câu lạc bộ nước ngoài thì chưa chắc, họ đã bị "gán mác" thất bại khi xuất ngoại.
Từ Xuân Trường, thấy gì về bài học xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam?
Công Phượng, Quang Hải và Xuân Trường từng xuất ngoại thi đấu. Ảnh: CLB

Sự chuẩn bị là cả một mùa giải

Lương Xuân Trường là 1 trong 3 cầu thủ thuộc biên chế Hoàng Anh Gia Lai xuất ngoại năm 2016. Chính xác là từ cuối năm 2015, tiền vệ này đã kí hợp đồng 2 năm theo diện cho mượn đến Incheon United.

Tuy nhiên chỉ sau 1 năm thi đấu cho câu lạc bộ K.League này, tiền vệ người Tuyên Quang đã quyết định chuyển đến Gangwon FC. Trong chia sẻ mới đây trên podcast cá nhân, Xuân Trường mô tả đó là một trong những quyết định sai lầm nhất sự nghiệp của bản thân mình.

"Có lẽ những gì mình làm được tại Incheon cộng với phong độ cao ở tuyển Việt Nam đã khiến mình kỳ vọng và hướng tới mục tiêu cao hơn, tham vọng lớn hơn. Giá như lúc đó, mình đủ chín chắn hơn để nhận ra bản thân không phải một người có khả năng thích nghi tốt về mặt chuyên môn, bởi tố chất của mình là khá kén huấn luyện viên", Xuân Trường tiếc nuối.

"Mãi đến sau này, mình mới nhận ra rằng giá mình quyết định ở lại Incheon ở mùa giải tiếp theo thì chắc chắn, quãng thời gian ở K.League sẽ ngọt ngào hơn rồi. Đúng là phải trải qua những lựa chọn không đúng thì mới nhận ra rằng mình đã sai như thế nào", Trường tâm sự.

Lương Xuân Trường không phải là không có sự chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại đầu tiên trong cuộc đời. Anh đã lường trước những khó khăn khi một mình phải sang Hàn Quốc chơi bóng. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, cơ hội ra sân của Xuân Trường tại mùa giải đầu tiên tại K.League cũng là không cao.

Ngoài trận đấu được coi là suất "an ủi" trong ngày nhà tài trợ đội bóng có hoạt động liên quan đến người Việt Nam, Xuân Trường hiếm khi có cơ hội dưới thời huấn luyện viên Kim Do Hoon.

Phải đến cuối mùa giải, khi ông Lee Ki Hyung lên nắm quyền, Xuân Trường mới được trọng dụng. Anh thừa nhận bản thân gặp khó khăn với huấn luyện viên có lối chơi thiên về sức mạnh và bóng dài. Và sự xuất hiện của ông Lee Ki Hyung có thể xem là điểm may mắn với Trường.

Nhà cầm quân 50 tuổi cần một tiền vệ có khả năng luân chuyển bóng nhanh, tổ chức và điều tiết lối chơi, không yêu cầu quá nhiều trong việc phòng ngự, nhưng thực tế, Xuân Trường lại không đủ sáng suốt để giữ cơ hội ấy.

Cùng với đó, Xuân Trường cũng mất luôn 1 năm gây dựng và thích nghi tại Incheon United. Từ chỗ quen thuộc với các cầu thủ, nhân viên văn phòng, đầu bếp ở câu lạc bộ, Xuân Trường lại chuyển đến một đội bóng mới với những đổi thay. Hệ quả là anh phải bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, với vị thế tân binh tại Gangwon FC.

Sự kiên trì của Công Phượng

Với Xuân Trường, bài học mà anh rút ra chính là cần kiên trì và nhẫn nại tại câu lạc bộ mà mình đầu quân, quá trình chuẩn bị và thích nghi với nền bóng đá phát triển cũng dài hơn.

Đồng nghĩa rằng, cầu thủ Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế tốt về thể lực, thể trạng, ngoại ngữ, sinh hoạt, dinh dưỡng trong thời gian trước khi xuất ngoại. Ngoài ra, họ cần cả mùa giải đầu tiên "chạy đà" để chứng minh và thích nghi bản thân với đội bóng đó.

Dường như cũng từ chính bài học của người đồng đội, Công Phượng đã quyết định bám trụ tại Yokohama FC. Nên nhớ, Công Phượng chỉ được ra sân vỏn vẹn 1 phút tại tại mùa giải 2023. Dù vậy, anh vẫn quyết tâm ở lại thêm một mùa giải nữa.

Công Phượng chấp nhận những lời đàm tiếu và ngay cả cảnh báo của huấn luyện viên Troussier về nguy cơ không thể lên tuyển Việt Nam nếu không được ra sân thường xuyên. Hơn ai hết, chính anh cảm nhận được cơ hội sẽ từng bước đến với mình ở đội bóng Nhật Bản.

Vậy nên, thay vì tìm cách "trốn chạy" khỏi Yokohama FC, Công Phượng đối diện và cố gắng vượt qua thử thách nhằm được ra sân nhiều hơn ở giải năm nay.

Ngoài ra, Văn Toàn và Quang Hải cũng từng xuất ngoại. Công bằng mà nói, họ vốn dĩ là những cầu thủ xuất ngoại không tệ, nhất là khi đối chiếu số lần ra sân ở mùa giải đầu tiên tại Seoul E-land (Hàn Quốc) hay Pau FC (Pháp).

Hai tuyển thủ này thậm chí còn được kí 2 năm với câu lạc bộ chủ quản nước ngoài, mà không có sự ràng buộc nào theo diện cho mượn như cách Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường sang nước ngoài trước đó.

Tuy nhiên, Văn Toàn và Quang Hải quyết định dừng chuyến phiêu lưu này ngay sau năm đầu tiên. Với một quãng thời gian chừng 3-4 tháng không được trao cơ hội, họ bắt đầu chuyển hướng trở lại Việt Nam, với một cái đích như nhau. Đó là được ra sân chơi bóng và tìm lại cảm giác bóng.

Quyết định của Quang Hải và Văn Toàn không sai, bởi điều đó đảm bảo cho chính sự nghiệp của họ. Nhưng không thể phủ nhận quyết định ấy nghiêng về an toàn, thay vì một sự liều lĩnh và chấp nhận thử thách hơn khi tiếp tục bám trụ ở châu Âu hay Hàn Quốc.

Kết quả hiện tại là họ đang chơi hay ở V.League, nhưng hoài bão thành công khi xuất ngoại của chính họ, niềm tin từ người hâm mộ về một ngôi sao Việt Nam đủ lực thi đấu tại nước ngoài chưa thể nào xảy ra.

Câu chuyện đau đáu phát triển tiềm lực bóng đá Việt Nam từ các cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng vẫn chưa tìm được lời giải…

MINH PHONG