Rằm tháng Giêng, lên Cà Roòng dự lễ hội đập trống
Du lịch online - Ngày đăng : 08:16, 23/02/2024
Vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm, khi con trăng tròn, lễ hội này được bà con Ma Coong tổ chức long trọng giữa núi rừng Trường Sơn thăm thẳm.
Không gian náo nhiệt trong lễ hội đập trống của người dân Ma Coong.
Lễ hội đập trống là lễ hội lớn và linh thiêng nhất của người dân tộc Ma Coong, được tổ chức ở bản Cà Roòng. Sau Tết Nguyên đán, du khách đến với bản, ngoài tham gia lễ hội để khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào Ma Coong, còn là cơ hội để đi suốt chiều dài một con đường “huyền thoại”, tìm lại những dấu xưa đạn bom của một thời kháng chiến cứu nước.
Bởi con đường lên bản Cà Roòng chính là đường 20 Quyết Thắng, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn hào hùng. Đường này có điểm đầu (Km số 0) ở gần trụ sở vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thuộc thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.
Hành trình đến với bản Cà Roòng
Đầu năm du xuân, du khách có thể theo đường 20 này để xuyên qua vùng lõi của rừng Phong Nha-Kẻ Bàng, ngắm cảnh suối, cây rừng xanh mát mắt với các đoạn đường dốc quanh co…
Con đường 20 Quyết Thắng lên bản Cà Roòng.
Sau khi cắt qua đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) ở đoạn ngã tư cầu Trạ Ang, du khách sẽ bắt gặp khu tưởng niệm hang 8 Thanh niên xung phong ngay trên đường 20. Đi tiếp nữa lại gặp đền thờ ở hang Y tá. Thắp nén tâm hương ở hai nơi này xong, du khách sẽ lên bản của đồng bào Ma Coong, từ cây số 51 đi vào một đoạn ngắn nữa. Suốt cả con đường 20 được láng nhựa phẳng phiu hôm nay hoàn toàn là trên nền đường 20 Quyết Thắng với biết bao trọng điểm lửa, đạn, bom trút xuống từng ngày trong chiến tranh chống Mỹ.
Nếu không đi theo đường 20, du khách cũng có thể bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), tại ngã ba đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) và đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) thuộc xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Trên đoạn đường này, du khách có thể rẽ vào tham quan động Thiên Đường trước khi đến ngã tư cầu Trạ Ang - đường 20 để lên bản Cà Roòng.
Hòa mình vào không gian lễ hội
Từ xưa, người Ma Coong và nhiều bản làng khác ở nước bạn Lào đã có lễ hội đập trống. Mục đích của lễ hội này nhằm cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh... Đây cũng là dịp người lớn tuổi làm quen nhau, ngày dành riêng cho những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò, để rồi mỗi năm sau lễ hội lại có thêm nhiều cặp trai gái thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái...
Để có đêm đập trống, công việc chuẩn bị thường được người dân tiến hành trước đó cả tháng. Công phu nhất là làm ra chiếc trống cho đêm lễ hội. Các già làng phải tìm ra được con trâu lớn, không quá già, cũng không quá non. Lấy da đó làm mặt trống cho dai. Thân trống là một thân cây rỗng, được nêm rất nhiều que gỗ xung quanh để giữ da mặt trống căng ra. Khi hoàn thành trống, cứ trông như một quả cầu gai lổm nhổm đầy gai góc.
Người Ma Coong làm trống cho lễ hội bằng những chất liệu đơn giản như da trâu làm mặt trống, thân cây rỗng ruột được nêm nhiều que gỗ làm thân trống.
Chiếc trống dần được hoàn thiện, trông như một quả cầu gai.
Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân ai có gì đóng góp nấy cho làng, nhưng không thể không đóng góp gạo nếp để làng nấu rượu hiêng (loại rượu được nấu bằng nếp nương với men lá, có màu trắng như sữa, chỉ được dùng cúng và mời khách quý). Còn làng không thể thiếu gà, xôi làm lễ cúng. Bộ phận chủ lễ thường có năm người, là những người đứng đầu năm dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống hiện nay. Họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm.
Vào sáng ngày rằm tháng Giêng, suốt ngày, người dân từ các bản gần, bản xa lũ lượt kéo nhau về bản Cà Roòng dự lễ hội. Trên khoảnh sân rộng nhất của bản Cà Roòng, dưới tán cổ thụ đã sống hàng trăm năm tuổi, người làng xúm tay dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Chiếc trống được treo trang trọng bên trong căn nhà chính làm nơi hành lễ.
Đêm buông xuống. Công việc chuẩn bị đã xong, mọi người tụm năm tụm ba chờ trăng lên. Khi trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, đồ vật cúng được mang ra sắp đặt. Đó là rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, xôi, một ít lúa gạo... Khi trăng lên nửa đầu là lúc vào giờ khai lễ. Già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong năm mới thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.
Đó cũng là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên từ tay đánh của một trong các thành viên chủ lễ. Lúc khoan thai, lúc thúc dồn dập tiếng trống, cứ thế vang động cả núi rừng thăm thẳm. Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiêng.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc lễ hội đập trống bắt đầu.
Dân làng vui vẻ tề tựu bên nhau bên ché rượu nồng.
Men rượu nồng say bốc lên, những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực. Cánh thanh niên thường tìm ra người khỏe mạnh nhất để đánh trống. Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, có vậy trời đất mới chứng giám cho lòng thành của người Ma Coong, trong năm được mùa màng bội thu. Vừa đánh trống, lũ thanh niên vừa la vang rừng: “Sướng quá, vui quá trời ơi!”.
Nam nữ trong làng thi nhau đánh trống.
Khi mặt trống bị đánh vỡ toác, một cảnh tượng tôi chưa từng thấy đã diễn ra, hàng chục thanh niên nam nữ, không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch mà cả người nước bạn Lào ở các bản lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng sâu sáng ánh trăng rằm để chuyện trò, gặp gỡ. Khoảnh sân rộng đột ngột thưa người. Chỉ còn những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần đến say mèm.
“Sau này trống là của người Ma Coong miềng, nhưng trước đó xa xưa lắm thì trống là của khỉ. Hằng năm, người dân bản làm lụng vất vả mới chờ được hạt thóc chín, vậy mà khỉ cứ chờ đến lúc đó là đem trống ra đánh. Bao nhiêu hạt thóc theo tiếng trống của khỉ chạy vô rừng hết. Con người mới tìm cách lấy được trống của khỉ và lễ hội đập trống gọi lúa về của người Ma Coong được sinh ra”, một người già trong làng kể.
Theo truyền thuyết của người Ma Coong, ngày xưa, vùng đất của họ từng xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, phá lúa và cây trái. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, đau ốm triền miền. Người Ma Coong đã dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng vẫn bất lực. Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, vị già bản nằm mơ thấy thần trời hiện về mách bảo rằng muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất khi khỉ ác về phá. Ngày hôm sau, những người đàn ông trong bản làm ngay một cái trống, âm thanh vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn. Chờ khỉ đến đúng giờ trăng sáng nhất là đêm 16 tháng Giêng, thanh niên mang trống ra thay nhau đánh, khỉ ác hoảng sợ nên trốn khỏi vùng đất này. Để tưởng nhớ vị già bản tiên tổ người Ma Coong, đền đáp công ơn của thần trời, những của ngon vật lạ trên vùng đất của người Ma Coong được lựa chọn, bày biện làm lễ cúng tế linh đình trong lễ hội đập trống. Truyền thuyết là vậy, nhưng nay lễ hội đập trống còn được xem là ngày hội trai gái Ma Coong se duyên, và người dân bản ngồi với nhau bên chén rượu nồng sau một năm làm ăn vất vả... Khung cảnh nên thơ của bản Cà Roòng. |