Dự án nhà ở xã hội: Nhiều vướng mắc, chậm triển khai
Bất động sản - Ngày đăng : 07:01, 23/02/2024
Giải ngân gói tín dụng ưu đãi chậm
Tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024 vào sáng 22/2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản.
Về thực tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.
Về việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Đánh giá chung về quá trình triển khai và thực hiện đề án, người đứng đầu Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng, việc triển khai đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn. “Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”, Bộ trưởng Xây dựng nói.
Nhu cầu nhà ở xã hội lớn nhưng dự án được triển khai ít (Nhà ở xã hội tại Đông Anh - Hà Nội) Ảnh: Như Ý |
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nghị, hiện vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu của đề án, các bộ ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ; đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, nhu cầu nhà ở xây dựng trên địa bàn tới trên 130.000 căn. Theo đó, Hà Nội chủ động dành quỹ đất với hơn 400ha (bố trí 5 khu nhà ở xã hội tập trung với 3 khu ở Đông Anh, 1 khu ở Gia Lâm và 1 khu ở Thanh Trì). Hà Nội “hứa” trong năm 2024 - 2025 sẽ hoàn thành trên 15.000 căn.
Có thể kể đến như Hà Nội mới khởi công được 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TPHCM 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...). Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...).
Trong năm nay, các địa phương đăng ký hoàn thành 108 dự án, quy mô hơn 47.500 căn. Hà Nội đăng ký triển khai 3 dự án với gần 1.200 căn, còn TPHCM phát triển 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn.
Vấn đề “tiền đâu”
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Vinhomes cho biết, việc thực hiện dự án nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải xác định tiền thuê đất. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng mua cũng tốn thời gian. Theo đó, ông Hoa kiến nghị rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ngoài ra, ông Hoa cho rằng, hiện nay suất đầu tư làm nhà ở xã hội thấp hơn 25% so với nhà ở thương mại. Hiện, nhà ở xã hội cũng cần đầu tư chất lượng, kiểu mẫu nên Bộ Xây dựng xem lại suất đầu tư này. “Nhà ở xã hội cần có cơ chế riêng, nhanh gọn hơn, chất lượng cũng cần tốt hơn. Cách nhìn, tư duy đối tượng nhà ở xã hội rộng rãi hơn, bình đẳng hơn”, ông Hoa nói.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn An Hưng cho rằng, thực hiện thủ tục pháp lý làm nhà ở xã hội rất mất thời gian. Đặc biệt, phần duyệt giá bán quy định 1 tháng nhưng bị kéo dài 5 tháng mới xong. Theo đó, ông Toàn kiến nghị, rút gọn thủ tục hành chính. Ngoài ra, với khó khăn về quỹ đất, cơ quan chức năng làm sao quy định bắt buộc các tỉnh phải bố trí bằng được đất dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
“Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi”. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Không chỉ vướng mắc về thủ tục làm dự án, nhiều nơi doanh nghiệp còn gặp khó về đầu ra sản phẩm. Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Viglacera cho hay, công ty đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ và chuẩn bị quỹ đất sạch cho 9.000 căn hộ trong năm nay. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cho rằng, trong 8.000 căn hộ mới đưa vào sử dụng chỉ có 5.000 căn có người ở; tồn kho lên tới 3.000 căn. “Đây là các dự án nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, cơ bản đồng bộ hạ tầng, không thua kém nhà ở thương mại. Giá thành hợp lý nhưng hiện vướng quy định về đối tượng mua nên khó bán”, ông Ngọc Anh nói.
Sau khi nghe ý kiến của Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói vui rằng, để phát triển nhà ở xã hội thì vấn đề “tiền đâu” là hết sức quan trọng. “Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội phải nhìn nhận vì sao giải ngân chậm”, Phó Thủ tướng nói. Theo đó, các ngân hàng thương mại cần hết sức “cách mạng” với việc này.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, với gói 120.000 tỷ đồng, phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại, không thể duy ý chí. “Cần xem lại chính sách sai ở đâu đó, không nên đề ra những chính sách không đúng với thị trường”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.