Điểm tin kinh doanh 23/2: Vàng SJC duy trì ở ngưỡng cao
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/02/2024
- Vàng SJC duy trì ở ngưỡng cao
Thời điểm 8 giờ 40 phút sáng ngày 22/2 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.027 USD/ounce, tăng nhẹ 2 USD/ounce so với cùng giờ sáng 21/2. Trong khi đó, vàng SJC duy trì ở ngưỡng cao.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể đi ngang. Giá vàng thế giới đang chờ đợi số liệu tiền lương và phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng 3 sắp tới.
Đêm 22/2, Mỹ tiếp tục công bố chỉ số quản lý thu mua hàng lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, hỗn hợp và đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần. Điều này sẽ là những dữ liệu để Fed đánh giá về "sức khỏe" của nền kinh tế. Đây sẽ là những dữ liệu tác động đến giá vàng trong ngắn hạn.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch chiều 22/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào-bán ra ở mức 76,1 - 78,93 triệu đồng/lượng.
Vàng DOJI Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 76,05 - 78,25 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn DOJI 9999 tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 64,1 – 65,3 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán ở mức 1,3 triệu đồng/lượng.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 76,1 -78,32 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 63,3 - 64,5 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 76,4 - 78,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 64,42 – 65,52 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 140.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.
- Chính phủ kiểm soát chặt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, bia Sài Gòn chuyển hướng bán hàng
Trước tác động tiêu cực của việc thực thi Nghị định 100 đến sản lượng bán bia, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn. SAB dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade) trong khi SAB tương đối mạnh hơn ở kênh off-trade.
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) nói riêng và toàn ngành bia nói chung vừa trải qua một năm kinh doanh ảm đạm khi lượng tiêu thụ toàn ngành sụt giảm mạnh dưới tác động kép của các quy định về nồng độ cồn cũng như sức mua giảm.
Năm 2023, SAB ghi nhận doanh thu thuần giảm 13% so với mức thực hiện năm 2022, đạt 30.461 tỷ đồng. Mảng bia chiếm 88% doanh thu của SAB, đạt 26.923 tỷ đồng, giảm 12%. Lợi nhuận sau thuế SAB năm 2023 đạt 4.255 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2022.
Kết quả đạt được năm 2023 của SAB đều không tương đương với kỳ vọng của ban lãnh đạo, doanh thu và lợi nhuận đều chỉ hoàn thành được ở mức 75%. SAB cho biết sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
- VinFast ký thỏa thuận cung cấp 600 xe điện cho 3 doanh nghiệp Indonesia
Trong khuôn khổ sự kiện IIMS 2024, VinFast chính thức ký kết Biên bản Ghi nhớ về việc cung cấp 600 xe điện cho 3 doanh nghiệp Indonesia. Thỏa thuận này đồng thời mở ra cơ hội để hãng xe điện Việt khai thác những tiềm năng to lớn của thị trường xe điện địa phương, cũng như thúc đẩy sự phát triển giao thông xanh trong khu vực.
Theo thỏa thuận, VinFast sẽ cung cấp 600 xe điện cho 03 doanh nghiệp Indonesia là PT. Energi Mandiri Bumi Pertiwi, PT. Sumber Amarta Jaya và PT. Teknologi Karya Digital Nusa Tbk. Các mẫu xe này sẽ phục vụ cho mục tiêu mở rộng đội xe doanh nghiệp của các công ty, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường giao thông xanh tại địa phương.
Ông Trần Quốc Huy - Tổng Giám đốc VinFast Indonesia, chia sẻ: “VinFast rất vinh dự được lựa chọn là đơn vị cung cấp sản phẩm cho các đội xe doanh nghiệp, và cùng các đối tác khai phá những tiềm năng to lớn của thị trường xe điện Indonesia. Điều này không chỉ thể hiện sự đón nhận của thị trường, mà còn khẳng định năng lực cạnh tranh của VinFast trên toàn cầu. Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng sáng tạo để đồng hành cùng khách hàng Indonesia trên hành trình chuyển đổi sang giao thông bền vững và cùng nhau kiến tạo một tương lai xanh cho mọi người”.
- Quỹ của tỉ phú Bill Gates vẫn đầu tư mạnh vào chứng khoán Việt Nam
Chứng khoán Việt Nam chứng minh được sức hấp dẫn khi vẫn giữ được dòng vốn đầu tư từ quỹ thuộc sở hữu của tỉ phú Bill Gates.
Đặc biệt, chứng khoán Việt Nam chứng minh được sức hấp dẫn khi vẫn giữ được dòng vốn đầu tư từ quỹ VEIL vốn có sự tham gia của quỹ thuộc sở hữu của tỉ phú Bill Gates.
Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust là đơn vị quản lý nguồn tài chính của Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF).
Ước tính, BMGF của tỉ phú Bill Gates đang gián tiếp nắm giữ khoảng hơn 200 triệu USD cổ phiếu Việt Nam thông qua quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý.
- Cú bắt tay lịch sử của Intel và Microsoft
Không phải Nvidia, Intel mới là đối tác được Microsoft “chọn mặt gửi vàng” hợp tác để sản xuất chip riêng, do Microsoft thiết kế, dành riêng cho các sản phẩm của hãng.
Hợp tác với Intel để hiện thực hóa tham vọng tự sản xuất chip AI, Microsoft đã lựa chọn được thiết kế chip mà hãng dự tính sẽ sản xuất trên tiến trình Intel 18A, nhưng không nêu rõ con chip này sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
Với thương vụ này, Intel dự kiến đạt doanh thu 15 tỷ USD cho các đơn đặt hàng, tăng từ mức 10 tỷ USD đã thông báo trước đó cho các nhà đầu tư.
Thông tin này được tiết lộ tại hội nghị công nghệ đầu tiên dành cho Intel Foundry, mảng kinh doanh gia công chip theo hợp đồng mà hãng thành lập để cạnh tranh với TSMC.
Đối với Intel, việc hợp tác với Microsoft - một trong những khách hàng đặt mua lượng chip AI lớn nhất của Nvidia- sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh chip theo đơn đặt hàng, đồng thời chứng minh sức cạnh tranh trong thị trường.
- TP. HCM: Dệt may, đồ gỗ có đơn hàng đến giữa năm 2024
Theo Sở Công Thương TP. HCM, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dệt may và đồ gỗ đã có đơn hàng đến tháng 6, cá biệt có doanh nghiệp nhận đơn hết năm.
Sáng 22/2, tại buổi họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của Sở Công Thương quý I-2024, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ khảo sát nhanh các doanh nghiệp sau Tết Giáp Thìn 2024 cho thấy hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng và chính thức hoạt động trở lại từ ngày 19/2 (tức mùng 10 âm lịch).
Trong đó, 2 ngành khó khăn nhất trong năm ngoái là dệt may và đồ gỗ hiện đã bắt đầu có đơn hàng trở lại, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết tháng 6, cá biệt có doanh nghiệp nhận đơn đến hết năm.
Sở Công Thương, dự báo kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trong quý I sẽ hoạt động tích cực, duy trì và tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ ở lĩnh vực công nghiệp là 5% và thương mại là 10% trở lên.