Đông Á Thanh Hóa và gợi ý cho ông Troussier ở Đội tuyển Việt Nam
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 15:04, 22/02/2024
Triết lý của huấn luyện viên Popov
Night Wolf V.League 2023-2024 trở lại vào cuối tuần qua, trong đó, Câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa giành chiến thắng 2-0 trước Hà Nội FC. Có thể, đại diện Thủ đô còn chưa bắt nhịp với huấn luyện viên mới, nhưng không thể phủ nhận chất lượng nhân sự của họ. Do vậy, 3 điểm đội bóng xứ Thanh giữ lại ở sân nhà vẫn được đánh giá cao.
Thực tế là mùa giải này, Đông Á Thanh Hóa có phong độ cao. Họ đang xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng sau 9 vòng, chỉ kém Thép Xanh Nam Định 4 điểm. Các học trò của Huấn luyện viên Popov là 1 trong 2 đội (cùng MerryLand Quy Nhơn Bình Định) ghi nhiều bàn thắng thứ hai (16) và là 1 trong 4 đội có hàng thủ mạnh nhất (8 bàn thua).
Đáng nói là, 3 trong số 5 trận thắng của họ đến ở sân khách, nghĩa là, ngoài sự chủ động về chiến thuật từ huấn luyện viên người Bulgaria, yếu tố tuân thủ kỷ luật là điểm nhấn quan trọng đóng góp vào thành công của đội. Có 2 trận mất điểm sân khách (1 hòa, 1 thua) thì bàn thua đều đến ở phần cuối trận (phút 75 và 90).
Thêm một điểm đáng ghi nhận nữa là triết lý mà huấn luyện viên 48 tuổi đã áp dụng cho Đông Á Thanh Hóa. Ông khẳng định rõ hơn sau trận thắng Hà Nội FC.
“Câu lạc bộ Thanh Hóa chơi nhanh, quyết liệt khi có bóng và khi mất bóng cũng nhanh chóng quay lại pressing, áp sát để giành lại bóng. Khi chúng tôi làm vậy, đối thủ sẽ rất khó để triển khai lối chơi” - ông nói và cho biết: “Cá nhân tôi không thích chơi bóng dài và vẫn giữ phong cách chơi kiểm soát bóng dù mặt sân xấu. Đây là cách không chỉ cho chúng tôi mà có thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển lên”.
Kiểm soát bóng chính là điều Huấn luyện viên Troussier đã, đang và sẽ áp dụng ở Đội tuyển Việt Nam cũng như đội U23. Tuy vậy, yếu tố thành công chưa đến giống như Đông Á Thanh Hóa.
Ông Troussier cần điều chỉnh những gì?
Câu hỏi đặt ra là, cùng triết lý nhưng vì sao đội bóng trong tay ông Troussier chưa cho thấy nhiều điểm tích cực, đặc biệt là trong tấn công? Dĩ nhiên, có nhiều lý do. Đầu tiên là sự khác biệt giữa cấp câu lạc bộ và đội tuyển. Thứ hai là thời gian và cường độ làm việc của huấn luyện viên với đội bóng (ở đội tuyển chỉ trong giai đoạn ngắn một vài lần trong năm). Tiếp theo là nhân sự, khi đội tuyển không có yếu tố ngoại.
Khi ông Popov nhấn mạnh vào yếu tố “nhanh chóng pressing”, sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại - với thể hình, thể lực vượt trội, sẽ là khởi nguồn. Nhưng ông Troussier không có cầu thủ như vậy thì hẳn nhiên, sự điều chỉnh cả về cách lựa chọn nhân sự lẫn cách triển khai bóng là cần thiết.
Kiểm soát bóng có đồng nghĩa với việc phải đá đẹp, đá uyển chuyển, đá mềm mại hay không? Dĩ nhiên là không. Vẫn có thể là sự mạnh mẽ, mạnh bạo, dứt khoát, nhanh chóng và đột biến, như cách Đông Á Thanh Hóa đang làm. Vậy là, đội hình tuyển chọn sẽ bao gồm những cầu thủ hội tụ được nhiều nhất các yếu tố, đảm bảo phục vụ cho mục đích là hiệu quả, chứ không phải vị thế ngôi sao đương nhiên có suất (điều này ông Troussier đã nói).
Theo một cách hiểu, trước mắt, để đối đầu tuyển Indonesia đang theo đuổi chính sách nhập tịch mạnh mẽ, ông Troussier cần một đội hình có một phần kinh nghiệm, giàu sức chiến đấu - bao gồm cả sự mạnh mẽ lẫn một chút xù xì giống đồng nghiệp kém ông 20 tuổi.Ông Troussier biết sức ép đang rất lớn, cũng bởi thế, giới chuyên môn và người hâm mộ cần thấy một sự dịch chuyển để đề cao tính hiệu quả ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng này. Tất nhiên, tự bản thân mỗi cầu thủ đều cần sự chủ động trong việc rèn luyện, nâng cao thể chất trước những yêu cầu mới.