Lý do đề xuất thu hẹp các sự kiện quan trọng cần cảnh vệ
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:59, 22/02/2024
Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 30, chiều 22/2.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng thông tin về một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng.
Trong đó, dự thảo Luật bổ sung 3 chức vụ lãnh đạo vào đối tượng cảnh vệ, gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
Dự thảo luật lần này cũng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng; bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình, song có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ, vì hoạt động của đối tượng cảnh vệ không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn diễn ra ở nước ngoài, khi các đối tượng cảnh vệ đi công tác…
Về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với nội dung này.
"Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị", theo cơ quan thẩm tra.
Ngoài ra, cũng có ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị quy định đối tượng cảnh vệ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia, để bảo đảm tính chất tương ứng, nhất là khi đối tượng cảnh vệ đi công tác ở nước ngoài.
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, dự thảo Luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự (gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội).
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với việc thu hẹp như dự thảo Luật, vì cho rằng quy định hiện hành còn rộng, nhất là các hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức ở rất nhiều địa phương, đối tượng bảo vệ rộng và nhiều hội nghị, lễ hội chưa thực sự là "sự kiện đặc biệt quan trọng"; các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng rộng.
"Nếu tất cả đều thực hiện công tác cảnh vệ sẽ dẫn đến dàn trải, tốn kém ngân sách Nhà nước và khó khăn trong việc triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ", theo cơ quan thẩm tra.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội như dự thảo Luật là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị đối với đối tượng cảnh vệ là "đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức" cũng cần thu hẹp theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ trên như quy định hiện hành nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức. Việc này còn để khẳng định vị thế, tạo sự tin tưởng của bạn bè thế giới về môi trường an ninh, an toàn tại Việt Nam là điều kiện thuận lợi để hợp tác, phát triển.
Ý kiến này cho rằng trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và hợp tác quốc tế.