Nhét tiền vào tay tượng, không phải tôn kính mà là vô lễ với thần Phật

Nhịp sống - Ngày đăng : 10:00, 22/02/2024

Cứ mỗi tờ tiền lẻ dúi vào tay bức tượng, người ta lại nêu một điều cầu xin, y như cuộc đổi chác “tiền trao cháo múc”, thế là vô lễ chứ đâu phải tôn kính thần, Phật!

Đầu xuân năm mới là dịp các ngôi đền, ngôi chùa nổi tiếng tấp nập khách thập phương. Người đi du xuân, vãn cảnh, người đi lễ bái cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu tự… Bao nhiêu ước nguyện về cuộc sống tốt đẹp, an lành được con người thành kính gửi đến các đấng linh thiêng.

Thế nhưng cảnh tôn nghiêm, thanh tịnh của nơi thờ tự, nơi thực hành tâm linh bị phá hỏng bởi cảnh nhếch nhác mà những tờ tiền lẻ được rải vô tội vạ tạo ra. Vì là tiền mệnh giá thấp, chỉ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, người ta không tiếc đặt khắp nơi mọi chốn, không chỉ ở tất cả những chỗ có bát hương mà còn cả hốc cây, vườn hoa, tượng thần, Phật, hộ pháp, tượng linh thú…

Tiền lẻ còn được ném rợp cả mặt nước ao, giếng… để cầu may mắn, đến mức nhiều nhà đền, nhà chùa phải giăng lưới phía trên, và cắm biển tha thiết đề nghị khách thập phương đừng làm như vậy nữa.

Trước khi đi lễ, nhiều người nhất định phải thu gom, đổi cả tập tiền lẻ, vì sẽ cảm thấy không an tâm nếu bỏ sót một ban thờ, một pho tượng chưa đặt tiền. Họ nghĩ rằng phải có tiền đặt lễ thì các bậc bề trên mới chứng cho lời cầu nguyện.

Nhiều người cảm thấy không yên tâm khi chưa

Nhiều người cảm thấy không yên tâm khi chưa "rải" tiền lẻ ở khắp nơi. (Ảnh: Tùng Lâm)

Họ còn muốn “chắc ăn” đến mức nhét luôn tiền lẻ vào bàn tay, bàn chân tượng Phật, tạo ra khung cảnh hết sức báng bổ nhưng cũng hết sức phổ biến ở các đền, chùa ngày nay. Có người còn khấn rõ rằng “con đặt liền dâng lễ để mong ngài ban cho… và nếu được như ý con sẽ xin hậu tạ”, không khác gì cách đặt vấn đề cho một cuộc mua bán hay hợp tác làm ăn ở chốn phàm tục.

Lý giải cho hành vi này, nhiều người lập luận rằng “trần sao âm vậy”, phải dâng tiền thì các ngài mới chứng cho. Nhưng chư Phật, chư thần đâu phải người âm! Dúi tiền vào tay các ngài theo cách như vậy không phải là nghi lễ mà là cuộc mặc cả, là đề nghị đổi chác.

Dùng nắm tiền lẻ được “trao” một cách xấc xược, vô lễ để đổi lấy tài lộc đầy nhà, an khang thịnh vượng…, thật rẻ rúng thần linh quá đỗi!

Nói đến tiền lẻ, người viết bài này không có ý chê những đồng tiền mệnh giá thấp, mà muốn nói về cách người ta ứng xử với nó, sử dụng nó khi đi lễ đền, chùa. Nếu là tiền công đức hay tiền giọt dầu thì không phân biệt ít hay nhiều, góp bao nhiêu là tùy sức, tùy tâm, nhưng nhất định phải thành kính và khiêm nhường, cho vào hòm công đức một cách trân trọng.

Còn hành vi rải tiền lẻ tràn lan, vung vãi lại hết sức phản cảm, khiến chốn tôn nghiêm trở nên dung tục. Ngoài ra, thói quen dúi tiền vào tay thần, Phật để xin xỏ theo kiểu trao đổi cũng làm méo mó ý nghĩa của hoạt động tâm linh, nuôi dưỡng thói tham, sân, si – những thói xấu mà người ta cố gắng từ bỏ bằng việc đi lễ chùa.

Bùi Hằng