Ngày 22/2 năm xưa: Cừu Dolly ra đời: bước tiến vĩ đại của khoa học hay mối lo ‘phi nhân tính’?
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 22/02/2024
Ngày 22/2/1997, một nhóm các nhà khoa học người Anh tại Viện Roslin (Edinburgh) do Tiến sĩ Ian Wilmut chủ sự, đã công bố sự ra đời của cừu Dolly, bản sao đầu tiên của một loài động vật có vú trưởng thành.
Sự kiện này gây chấn động thế giới, được đánh giá là ‘bước tiến vĩ đại’ của khoa học và là một trong 3 sự kiện lớn nhất của năm 1997 (cùng với cái chết của Công nương Diana và trao trả Hongkong cho Trung Quốc).
Dolly ra đời vào tháng 7 năm 1996 nhưng chỉ được công bố vào đầu 22/2/1997, là con cừu cái giống Finn Dorset, đã xóa tan giả định hàng thập kỷ rằng không thể nhân bản động vật có vú trưởng thành.
Cô cừu Dolly là động vật có vú đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính, là một quá trình sinh sản trong đó không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái. Điều này khác với sinh sản hữu tính, trong đó có sự giao phối giữa hai cá thể để tạo ra hợp tử mới.
Thời điểm đó, khái niệm nhân bản động vật có vú, thậm chí cả con người, không phải là mới. Tuy nhiên, không giống như Dolly, những bản sao trước đó có nguồn gốc từ một hợp tử hoặc trứng được thụ tinh, và do đó chúng là bản sao của nhau chứ không phải là bản sao của một cá thể khác. ức là các dòng vô tính đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm chỉ từ các tế bào phôi chưa biệt hóa hoặc chỉ biệt hóa một phần.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng và thất bại trong việc nhân bản động vật có vú từ những con trưởng thành hiện có. Những thất bại lặp đi lặp lại khiến giới khoa học ọc suy đoán về tầm quan trọng của thời gian và quá trình biệt hóa tế bào trong phôi động vật có vú đang phát triển.
Dolly được Ian Wilmut và các cộng sự nhân bản từ tế bào tuyến vú lấy từ một con cừu cái giống Finn Dorset trưởng thành. Bằng cách sử dụng các xung điện để kết hợp tế bào vú với một tế bào trứng chưa được thụ tinh đã được mã hóa lấy từ một cừu cái Blackface Scotland, sau đó được cấy vào tử cung của cừu cái Blackface khác.
Trong số 13 con cừu cái Blackface nhận nuôi phôi, một con đã mang thai và 148 ngày sau Dolly đã chào đời, là bản sao di truyền của con cừu cái Finn Dorset.
Dolly sống khỏe mạnh với tim, gan, não và các cơ quan khác vẫn hoạt động bình thường, tất cả đều có nguồn gốc di truyền từ DNA nhân của tế bào tuyến vú trưởng thành.
Dolly sống đến hết cuộc đời ở Viện Roslin, được chăm sóc chu đáo, được sống tự nhiên như mọi con cừu khác và là ‘ngôi sao’ được cả thế giới chú ý. Vào tuổi động dục, Viện Roslin thậm chí còn tổ chức một nghi thức tác hợp, kiểu như lễ cưới, với một chú cừu đực tên David, giống Welsh Mountain.
Mối tình David – Dolly đâm hoa kết trái tự nhiên không có bất thường nào. Dolly đã sinh nở 3 lần với tổng cộng 6 con cừu con. Lần đầu sinh một con mang tên Bonnie vào năm 1998, sau đó là sinh đôi năm 1999 và sinh ba vào năm 2000.
Thông thường một con cừu giống Finn Dorset như Dolly có vòng đời từ 12 đến 15 năm, tuy nhiên Dolly chỉ sống được đến 7 tuổi. Trước đó, năm 2001 khi lên 5 tuổi, Dolly bị mắc chứng viêm khớp khiến việc đi lại khó khăn, nhưng sau đó đã được điều trị bằng thuốc chống viêm thành công.
Vào đúng ngày Valentine năm 2003, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng, Dolly được trợ tử bằng một mũi tiêm để chết êm ái. Cũng như sự đón nhận khi ra đời, cái chết của cô cừu đặc biệt này cũng trở thành chủ đề sốt dẻo trên truyền thông và cả dư luận. Tiêu bản của Dolly được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Scotland ở Edinburgh.
Trở lại với sự ra đời của Dolly, dấu mốc đặc biệt đó đã thúc đẩy các nhà khoa học nhân bản các loài động vật khác gồm chó, mèo, ngựa và bò mộng, đặt ra khả năng nhân bản vô tính con người và các loài đã tuyệt chủng.
Thành tựu của Ian Wilmut được nhiều nhà khoa học xem là một cuộc cách mạng, nhưng cũng có không ít lời chỉ trích cho rằng thí nghiệm này là phi nhân tính. Tranh cãi bùng nổ dữ dội vì xét ở nhiều khía cạnh như đạo đức, tôn giáo, xã hội, y đức... cừu Dolly không nên có mặt trên đời này
Báo chí mô tả sự có mặt của Dolly trong đời sống này là cú sốc lớn thách thức tạo hóa, thách thức lẽ tự nhiên, là "một bước đi quá xa của khoa học" và hoảng hốt cảnh báo "nhân bản người vô tính đang cận kề".
Chỉ một năm sau khi Dolly ra đời, tổng thống Mỹ thời điểm đó là Bill Clinton đã ban hành lệnh cấm sử dụng nguồn quỹ liên bang cho mục đích nhân bản con người.
Keith Campbell - đồng sự của Wilmut, đã kiên định: không bao giờ được phép nhân bản con người. Ông cho rằng viễn cảnh tưởng tượng này là "một sự xúc phạm", bởi cả nguy cơ dị tật và thực tế rằng một bản sao không bao giờ được chấp nhận như một con người thực.
Bản thân Wilmut cũng coi việc nhân bản con người là không thực tế vì cả lý do đạo đức và khoa học. Từ công việc của mình với đàn cừu, anh ấy biết được sự nguy hiểm của việc nhân bản; nhiều phôi chết sau khi được làm tổ, và những phôi sống sót và phát triển thành bào thai trưởng thành đôi khi chết ngay sau khi sinh hoặc sinh ra với dị tật bẩm sinh.
Cho đến khi qua đời Wilmut cũng không lấy làm quá tự hào về thành tựu của mình và các cộng sự. Ông bày tỏ mối quan tâm ‘lớn hơn cả khoa học’ là việc nhân bản con người sẽ làm thay đổi nhận thức về sự sống.
Bởi Dolly chỉ là bản sao của chính nó. Một khi con người được nhân bản, nghĩa là không thể có diễm phúc của gia đình, tình phụ tử và mẫu tử, tự hào về nguồn gốc. . Động vật sinh sản đơn thuần là quá trình giao phối bản năng. Nhưng tình dục và giao hoan của con người để khởi đầu (lẫn kết thúc) sự sống là điều thiêng liêng và kết quả của yêu thương.