Nợ nghìn tỷ, ‘vua cá tra’ một thời muốn bán loạt công ty con để trả nợ
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 17:09, 21/02/2024
CTCP Hùng Vương (mã HVG) do ông Dương Ngọc Minh làm Chủ tịch, vừa công bố văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp thành viên, để thu tiền thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay.
Cụ thể, HVG sẽ thoái hết sạch 79,58% vốn điều lệ tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), vốn điều lệ 281 tỷ đồng. HVG đang tìm đối tác phù hợp để bán toàn bộ số cổ phiếu sở hữu.
HVG cũng muốn thoái vốn tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), vốn điều lệ 1.045 tỷ đồng. HVG đang nắm giữ 50,38% vốn của doanh nghiệp này.
Cùng với đó, HVG sẽ bán hết 89,99% vốn tại CTCP Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long. Công ty này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng.
Cuối cùng, HVG sẽ bán sạch 85% vốn tại Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á, vốn điều lệ 360 tỷ đồng.
Theo HVG, số tiền thu về dùng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp này.
Trong báo cáo tài chính gần nhất năm 2019, doanh nghiệp này có số nợ phải trả hơn 7.134 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) hơn 3.000 tỷ đồng.
CTCP Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, từ năm 2003. Ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu. Vốn điều lệ ban đầu 32 tỷ đồng, công suất 50 tấn nguyên liệu/ngày.
Chủ tịch Dương Ngọc Minh được biết đến là doanh nhân một thời nổi tiếng với biệt danh "vua cá tra" cùng slogan "Think of fish, eat panga!" (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra).
Tháng 1/2007, HVG chính thức trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổng tài sản lên đến 600 tỷ đồng và HVG là nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra khép kín hàng đầu Việt Nam.
Tháng 11/2009, HVG chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Năm 2016, HVG ghi nhận doanh thu lên tới gần 18.000 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng đạt chưa đầy 10 tỷ đồng.
Năm 2017, Hùng Vương vẫn đạt trên 15.500 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ sau thuế hơn 705 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2020, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. HVG chuyển đăng ký giao dịch sang sàn UPCoM.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định tiếp tục duy trì ở diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu HVG từ ngày 15/12/2023 trên sàn UpCom, do chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp.
Trên thị trường, sau khi vào diện đình chỉ giao dịch, HVG ở mức 1.400 đồng/cp.
Tương tự như Hùng Vương, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lỗ ròng kỷ lục gần 98 tỷ đồng trong năm 2023.
CTCP Nam Việt (ANV) cũng ghi nhận lãi trước thuế với giảm 91%, còn 67,6 tỷ đồng.