Chưa giàu đã già, nhiều người 7X, 8X sẽ phải sống bằng nghề bồi bàn
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 07:16, 21/02/2024
Số người trên 65 tuổi tăng gấp đôi vào 2043
Trích dẫn số liệu của tổ chức Liên Hiệp Quốc (UN), tờ Nikkei của Nhật cho hay, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang già đi nhanh chóng. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động được dự đoán sẽ đảo ngược xu hướng tăng trong năm nay.
Điều đáng lo ngại là, người dân khu vực Đông Nam Á đang già đi nhanh chóng nhưng hệ thống an sinh xã hội yếu kém, tỷ lệ người được hưởng lương hưu ở mức rất thấp so với các nước phát triển.
Tình trạng thiếu lao động ở Đông Nam Á mang tính chất cấu trúc và do đó có thể kéo dài. Theo ước tính của UN, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 11 quốc gia trong khu vực đạt đỉnh 68% vào năm 2023. Tỷ lệ này đạt đỉnh ở Thái Lan từ rất sớm, vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Tại Indonesia, quốc gia có dân số lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới (270 triệu người), tỷ lệ này dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030.
Mặc dù tuổi nghỉ hưu sớm nhưng chỉ 1/4 tổng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) sẽ được hưởng lương hưu. Với việc nhân khẩu học ngày càng cạn kiệt, nhiều quốc gia chịu áp lực phải củng cố mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo phúc lợi cho người già.
Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực Đông Nam Á đã vượt quá 7% trong năm 2019. Đây là ngưỡng của một “xã hội già hóa”. Con số này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043, đưa khu vực này vào nhóm dân số già.
Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tại Indonesia và Việt Nam, chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động được hưởng lương hưu. Ngay cả ở Singapore, tỷ lệ này cũng dưới 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 87% của các nước OECD. Ngoài ra, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á có độ tuổi nghỉ hưu sớm - ví dụ như 55 đối với người lao động bình thường ở Thái Lan và Malaysia. Tỷ lệ hưởng lương hưu tại Thái Lan và Philippines cũng chỉ quanh ở mức 40%.
Bên cạnh đó, nhiều cảnh báo về tình trạng thiếu người lao động làm các công việc có thu nhập thấp ở các đô thị trên thế giới, bao gồm cả các thành phố lớn tại Việt Nam và Indonesia trong thập kỷ tới.
Đây không phải là dự báo xa vời. Ngay đầu năm, theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thành phố lớn nhất Việt Nam sẽ thiếu khoảng 320.000 lao động trong năm mới 2024.
Lực lượng lao động giảm sút có thể sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế.
Với xu hướng dân số già đi nhanh chóng, trong 10-20 năm tới, thiếu nhân lực là một vấn đề lớn đối với kinh tế Việt Nam. Khi đó, những người già với thu nhập thấp có thể phải tiếp tục lao động với các công việc thù lao thấp như bồi bàn, dọn dẹp... như đã từng xảy ra ở một số nước.
Cơ hội trong những công việc mới?
Trước đó, theo Economist, năm 2018, những người trên 60 tuổi tại Việt Nam chiếm 12% dân số. Con số này dự báo sẽ tăng lên 21% vào năm 2040. Đây là một trong những mức tăng nhanh nhất thế giới.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng một phần do tuổi thọ của người dân tăng từ mức 60 tuổi vào những năm 1970 lên mức khoảng 73 tuổi như hiện giờ. Tỷ lệ sinh từ 7 xuống còn dưới 2 trẻ/phụ nữ như hiện tại.
Sự già hóa dân số là hiện tượng xảy ra ở nhiều nước. Tuy nhiên, điểm khác biệt là nó xảy ra khi Việt Nam còn nghèo.
Với Hàn Quốc và Nhật Bản, khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tăng lên mức cao nhất thì GDP đầu người đạt khoảng 32.000 USD. Còn với Trung Quốc, con số này là hơn 9.500 USD. Trong khi ở Việt Nam, khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đạt đỉnh năm 2014, GDP đầu người chỉ có hơn 2.000 USD.
Hiện tại, Chính phủ có hỗ trợ cho người cao tuổi, nhưng mới áp dụng với người từ 80 tuổi trở lên và đang tính toán hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi với người không có lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội. Mức trợ cấp cũng được đề xuất nâng lên 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Ở nông thôn, tình trạng người già không có lương hưu nhiều hơn và thường họ phải làm các công việc thủ công, nặng nhọc cho tới khi không còn đủ sức khỏe.
Có thể thấy, với xu hướng như hiện tại, trong 1-2 thập kỷ tới, nhiều người già thế hệ 7x, 8x sẽ phải tiếp tục lao động để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Nhiều người sẽ phải làm các công việc chân tay, nặng nhọc như bồi bàn, giúp việc...
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0 và kinh tế số, có thể sẽ có những công việc nhẹ nhàng hơn cho những người cao tuổi. Đó có thể là công việc bán hàng trên mạng, các công việc giá trị gia tăng trên các nền tảng mạng xã hội...
Đây cũng là xu hướng được nhiều nước quan tâm. Vài năm trước, Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số, thay thế cho Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, nhằm lên kế hoạch, phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến kinh tế số.
Việt Nam là quốc gia có số người dùng mạng Internet tốc độ cao, dùng điện thoại di động... cao hàng đầu thế giới. Người dân nông thôn nhiều năm gần đây cũng biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản và bán hàng qua mạng đi khắp nước và ra cả thế giới.