Đoàn thuyền rước lễ xuất du trẩy hội Nghinh Thần
Du lịch online - Ngày đăng : 19:52, 20/02/2024
Đoàn rước lễ cùng quan khách về dự lễ Nghinh thần vào sáng 19/2/2024 trên sông Đồng Nai.
Sau nghi thức diễu hành trên sông khoảng 5km, đoàn tiếp tục di chuyển lên bờ, diễu hành về chùa Ông (Thất Phủ Cổ miếu, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Lễ Nghinh thần là hoạt động đưa các vị thần dân gian, người có công khai hoang mở cõi, xây dựng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xuất du theo đường thủy và đường bộ.
Theo đó, lễ Nghinh Thần 2024, Ban trị sự chùa ông cung thỉnh kim thân, linh vị các vị Thần: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh), Quan Thánh Đế quân (Miếu Quan đế tại chợ Biên Hòa), Thành Hoàng bổn cảnh (đình Bình Quan), Đức Ông Trần Thượng Xuyên (đình Tân Lân), Quảng Trạch Tôn Vương (Phụng Sơn tự), Thiên Hậu Thánh mẫu (Thiên Hậu cung), Lỗ Ban Tiên sư (Miếu Tổ sư Bửu Long) về Chùa Ông dự lễ hội.
Đoàn rước lễ cờ xí ngợp trời, diễu hành qua các tuyến đường trong tiếng chiêng trống rộn ràng, hướng về Thất Phủ Cổ Miếu.
Tháp tùng đoàn còn có cặp song long dũng mãnh trong sắc màu rực rỡ, vừa đi vừa múa các vũ điệu xoay tròn, uyển chuyển đẹp mắt..
Không thể thiếu tại các lễ hội, đoàn múa lân rộn ràng trong tiếng chiêng, trống thúc giục.
Trong trang phục sườn xám đỏ, các thiếu nữ thướt tha rước đèn lồng trong sự theo dõi, cổ vũ nhiệt tình của bà con và du khách hai bên đường.
Theo Ban tổ chức, lễ hội chùa Ông năm 2024 diễn ra trong 5 ngày (từ 18/2 đến 22/2/2024 - Mùng 9 đến 13 tháng Giêng), xuyên suốt lễ hội gồm các hoạt động:
Lễ nghinh thần trên sông Đồng Nai, diễu hành trên đường phố với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, chương trình biểu diễn lân sư rồng, hoạt động triển lãm và giao lưu thư pháp - thư họa.
Trong khuôn khổ lễ hội còn long trọng diễn ra Lễ vía Đức Ông Quan thánh Đế quân; Chương trình thả phúc khí cầu, thả hoa đăng trên sông cùng các hoạt động Biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, Hoạt cảnh sân khấu; Giao lưu thư pháp Việt - Hoa, …
Các thiếu nữ người Hoa trang nhã trong trang phục truyền thống.
Đoàn xuất du đường bộ di chuyển trên nhiều tuyến đường thuộc TP. Biên Hòa.
Ông Lưu Quang Bảo ngụ tại P. Hiệp Hòa - nơi diễn ra lễ hội cho hay, thường vào khoảng Mùng 10 đến 13 tháng Giêng hàng năm, đông đảo người dân và du khách thập phương lại rình rang tề tựu về đây trẩy hội.
Tuy nhiên, lễ hội chùa Ông năm nay kéo dài tới 5 ngày, diễn ra trước Tết Nguyên Tiêu tại chùa Ông ở Cù lao phố, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân cùng các vị thánh, thần. Theo tín ngưỡng dân gian, Quan Công được người Hoa, người Việt thờ phụng bởi tấm lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa; một con người - một vị thánh luôn quên mình vì người khác..., ông Bảo cho biết thêm.
Các đoàn nghệ thuật trong điệu múa dân gian, tạo nên không khí lễ hội đầy màu sắc và náo nhiệt.
Múa lụa, loại hình nghệ thuật ẩn chứa nét đẹp uyển chuyển của sự mềm mại thướt tha.
Hòa theo đoàn rước lễ, đông đảo công chúng rình rang trẩy hội Nghinh Thần.
Em Lâm Uyển Như, học sinh cấp II trường THCS An Bình, Biên Hòa hào hứng nói: "Em có bạn đi diễu hành trong đoàn nên đi theo cổ vũ và tiếp nước phụ mấy chị. Năm nào cũng vậy, em cũng đều dự lễ hội; có năm còn tham gia trong đội múa nữa".
Lễ hội do cộng đồng người Hoa vùng Đông Nam Bộ tổ chức từ thời mở đất đến nay.
Với nhiều hoạt động, nghi thức lễ trang trọng và phần hội phong phú đã thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự.
Nghi thức lì xì Thần Tài với niềm tin năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, phát đạt.
Đoàn diễu hành rước lễ Nghinh thần được đông đảo người dân sinh sống và làm ăn hai bên đường và du khách hào hứng cổ vũ nhiệt tình.
Nhiều hộ làm ăn, buôn bán, các tiểu thương bày mâm cúng, cung nghinh Đức Ông và lì xì Thần tài nhằm cầu chúc một năm mới bình an, công việc hanh thông, tài lộc hoạnh phát.
Đoàn diễu hành rộn rã trống chiêng, hóa trang thành các vị thần tiên, biểu diễn lân - sư - rồng trên các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP.Biên Hòa.
Sau khi diễu hành qua các tuyến đường, đoàn Nghinh Thần tập trung về chùa Ông (Thất phủ Cổ Miếu, P. Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) dự lễ.
Theo ông Huỳnh Hữu Nghĩa, quyền Trưởng ban trị sự Thất phủ Cổ Miếu, Phó ban tổ chức cho biết, lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng, từng bước hình thành sản phẩm du lịch văn hóa ở địa phương.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai về bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi giải trí lành mạnh của người dân.
Lễ hội chùa Ông cù lao Phố là nhịp cầu giao lưu văn hóa, kết tinh và lan tỏa nội vùng và ngoại vùng, có sức sống trong quá trình hội nhập quốc tế.
Khác với mọi năm, lễ hội chùa Ông năm nay có sự tham gia của đoàn đại biểu đến từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Singapore.
Thất phủ cổ miếu, bà con thường gọi là Chùa Ông Cù Lao Phố, nơi đây là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên vùng đất Nam bộ.
Chùa Ông được kiến lập năm 1684, đến nay đã trải qua 340 năm. Năm 2023, Lễ hội chùa Ông được Bộ VHTT&DL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tối cùng ngày, tại Thất phủ Cổ miếu, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tặng hoa chúc mừng khai mạc Lễ hội chùa Ông và kỷ niệm 340 năm kiến lập di tích Thất phủ Cổ miếu.
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho biết, qua hơn 340 năm từ khi được kiến lập (1684-2024), di tích Thất phủ Cổ miếu (còn gọi là Chùa Ông Cù lao Phố) dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm khác nhau nhưng vẫn luôn được cộng đồng người Việt gốc Hoa cũng như nhân dân ở địa phương giữ gìn, tôn tạo, trở thành một biểu tượng cho sự gắn kết và dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất này.
Nhiều năm qua tỉnh Đồng Nai đã quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ban Trị sự Thất phủ Cổ Miếu làm tốt công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị vật thể của di tích chùa Ông; từ đó, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh của tỉnh và khu vực thu hút khách từ trong và ngoài nước đến tham dự, chiêm bái, cùng góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh nhà, bà Loan nhìn nhận.