Điểm tin kinh doanh 21/2: Giá vàng và dầu có thể tăng lên 3.000 USD/ounce và 100 USD/thùng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 21/02/2024
- Giá vàng và dầu có thể tăng lên 3.000 USD/ounce và 100 USD/thùng
Ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của ngân hàng Citi dự báo giá vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce và giá dầu leo lên 100 USD/thùng trong vòng 12-18 tháng tới.
Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của ngân hàng Citi cho hay, kịch bản trên sẽ xảy ra nếu thị trường tiếp nhận một trong ba chất xúc tác: các ngân hàng trung ương tăng mạnh hoạt động mua vào vàng, nguy cơ lạm phát đình trệ hoặc kinh tế toàn cầu suy thoái sâu.
Các nhà phân tích của Citi nhận định kịch bản có khả năng xảy ra nhất khiến giá vàng vọt lên 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của xu hướng phi đô la hóa của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng USD.
Citi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu hoạt động mua vàng, trong khi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng miếng.
Hội đồng Vàng Thế giới ước tính vào tháng Một rằng các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì hai năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng. Ông Doshi dự kiến nếu con số này tăng gấp đôi lên 2.000 tấn, giá vàng sẽ nhận được lực đẩy mạnh mẽ.
Một yếu tố khác có thể khiến giá vàng lên mức 3.000 USD/ounce là một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu, vốn sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh chóng. Song, ông Doshi lưu ý đây là một kịch bản có xác suất thấp.
Một kịch bản khác được nêu bật trong báo cáo của Citi là giá dầu trở lại mức ba con số. Ông Doshi cho biết các chất xúc tác khiến giá dầu đạt 100 USD/thùng phải kể đến rủi ro địa chính trị cao hơn, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ cắt giảm sản lượng và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ các khu vực sản xuất dầu quan trọng.
Citi cho biết nhà sản xuất dầu lớn Iraq đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do cuộc xung đột tại Trung Đông và bất kỳ sự leo thang nào nữa có thể gây tổn hại cho các nhà cung cấp lớn khác của OPEC+ trong khu vực.
Những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng đang gia tăng ở biên giới giữa Israel và Liban, làm dấy lên lo ngại xung đột ở Dải Gaza có thể lan rộng ra những nơi khác ở Trung Đông.
Các nhà phân tích của Citi nhấn mạnh những rủi ro địa chính trị khác như nguồn cung dầu của Nga không thể loại trừ. Ông Doshi dự báo giá dầu sẽ ở mức khoảng 75 USD/thùng trong năm nay.
Phiên 19/2, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 9 xu lên mức 83,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Ba tăng 30 xu lên 79,49 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao tháng Tư giảm 11 xu xuống 78,35 USD/thùng.
Bất chấp nguy cơ căng thẳng leo thang ở Trung Đông và các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ, thị trường dầu mỏ lại đang đi ngược xu hướng lịch sử. Một yếu tố có thể khiến giá "vàng đen" khó đột phá là nhu cầu suy yếu.
Báo cáo hàng tháng mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 15/2 dự báo rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 2,3 triệu thùng/ngày hồi năm 2023 xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay.
- Tập đoàn FLC giảm 60% nhân sự, chuyển trụ sở
Sau quá trình tái cơ cấu, FLC giảm khoảng 60% nhân sự chính thức. Công ty đã tái khởi động, triển khai thi công tại các dự án trọng điểm như FLC Premier Parc, C4C5 Thanh Hoá, FLC Sầm Sơn, FLC Tropical...
Ngày 20/2/2024, Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 với sự tham dự của 103 cổ đông, chiếm hơn 33,721% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội cũng thông qua việc chuyển địa chỉ trụ sở chính từ Tầng 29 Tòa nhà Bamboo Airways (số 265, đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) sang Tầng 5, Tòa nhà FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
FLC đã không công bố báo cáo tài chính từ quý 4/2022 đến nay, vì vậy tình hình tài chính của công ty không được tiết lộ. Theo thông tin từ doanh nghiệp, tổng giá trị tài sản hiện hữu của FLC đạt hơn 21.000 tỷ đồng, thực hiện nộp ngân sách Nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.
Sau quá trình tái cơ cấu, FLC đã giảm khoảng 60% nhân sự chính thức, sáp nhập 50% phòng ban. Hệ thống công ty gồm 14 công ty con (do Tập đoàn FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 1 công ty liên kết.
FLC cho biết đã tái khởi động, triển khai thi công tại các dự án trọng điểm như FLC Premier Parc, C4C5 Thanh Hoá, FLC Sầm Sơn, FLC Tropical; chi thi công hơn 500 tỷ đồng; số lượng thi công 889 căn, số lượng căn đang thi công 831 căn.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu mảng kinh doanh bất động sản đạt doanh số 1.187,2 tỷ đồng, mảng kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng đạt 1.213 tỷ đồng; lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan.
Ngoài các dự án trọng điểm trên, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm các dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec; dự án tại Quy Nhơn, Quảng Bình.
- Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 21/2: VN-Index sẽ sớm quay lại khu vực 1.250 điểm
Vùng giá trị đỉnh nhịp hồi năm 2023 tương ứng 1.250-1.280 điểm dự báo sẽ là vùng kháng cự mạnh trong thời gian tới, khi đây là vùng quyết định liệu xu hướng dài hạn có thoát kênh giảm từ giữa năm 2022 hay không.
Lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 21/2.
CTCK Vietcombank - VCBS
Chỉ số VN-Index kết phiên tăng hơn 5 điểm nhờ thanh khoản mua chủ động gia tăng cuối phiên.
Ở khung đồ thị ngày, tuy hai chỉ báo MACD và RSI đều đang ở vùng cao nhưng vẫn đang tiếp tục hướng lên và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh vùng với việc CMF vẫn tiếp tục gia tăng cho thấy dòng tiền vẫn đang tích cực tham gia thị trường và VN-Index sẽ sớm quay lại khu vực đỉnh 1.250 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, VN-Index vẫn đang bám sát đường Tenkan hướng lên, và dải Bollinger band vẫn tiếp tục mở rộng theo xu hướng tăng củng cố cho nhận định trên.
CTCK SHS
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường trong nhịp tăng và hiện tại VN-Index đã rất tích cực khi sắp tiệm cận ngưỡng cản mạnh trung hạn 1.250 điểm.
Hiện tại đà tăng của VN-Index có thể sẽ gặp khó khăn bởi khả năng rung lắc, điều chỉnh sẽ gia tăng dần khi chỉ số tiến dần tới vùng 1.250 điểm.
Xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn duy trì vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới sau giai đoạn giảm sâu và chúng tôi kỳ vọng sẽ trong biên độ 1.150-1.250 điểm.
CTCK Tân Việt - TVSI
Chỉ số VN-Index kết phiên với cây nến Bullish hammer với giá đóng cửa ở mức cao nhất ngày đi kèm thanh khoản tiếp diễn duy trì ở mức cao, cho thấy đà tăng vẫn đang rất tích cực.
Mặc dù đà tăng dự báo vẫn tiếp diễn nhưng với việc ở vùng giá trị cao và cách khá xa các đường bình quân, chỉ số dự báo sẽ tiếp diễn áp lực rung lắc như hiện tại trong thời gian tới.
Vùng giá trị đỉnh nhịp hồi năm 2023 tương ứng 1.250-1.280 điểm dự báo sẽ là vùng kháng cự mạnh trong thời gian tới, khi đây là vùng quyết định liệu xu hướng dài hạn có thoát kênh giảm từ giữa năm 2022 hay không.
Việc đà tăng vẫn lan tỏa đều khắp các nhóm ngành đan xen các nhịp điều chỉnh liên tục khi tăng điểm hiện tại cũng cho thấy tín hiệu tăng giá bền vững. Trong phiên giao dịch sắp tới, đà tăng kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục duy trì về cuối phiên.
CTCK Yuanta Việt Nam
Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức kháng cự 1.245 điểm.
Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền tiếp tục gia tăng, đặc biệt thị trường không xảy ra tình trạng phân hóa quá rõ nét và dòng tiền phân bổ đều giữa các nhóm cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu Vingroup có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên kế tiếp, nhưng nhịp điều chỉnh này có thể nhanh chóng kết thúc.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại và cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng.
- Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 21/2
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 21/2 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
* EIB: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (EIB – HOSE) thông báo đã bán bất thành 6,09 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký bán từ ngày 15/1 đến 07/2 theo phương thức khớp lệnh do giá không đạt kỳ vọng.
* LPB: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LPBank (LPB – HOSE) thông báo, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sẽ dự kiến tổ chức vào ngày 27/4/2024 tại Khách sạn Ninh Bình Legend, số 177 Lê Thái Tổ, phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình.
* PGI: Ngày 23/2 là ngày giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2023 của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 26/2. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 15/3/2024.
* DHC: Ông Dương Thanh Sang, anh của ông Dương Thành Công – Thành viên HĐQT CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC – HOSE) đăng ký bán 370.000 cổ phiếu DHC từ ngày 23/2 đến 22/3 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Sang sẽ giảm sở hữu tại DHC xuống còn hơn 400.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,498%.
* DBT: Ông Phạm Thứ Triệu, Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT – HOSE) đăng ký mua hơn 728.000 cổ phiếu DBT từ ngày 26/2 đến 23/3 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Triệu sẽ nâng sở hữu tại DBT lên hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,66%.
* DP3: Bà Lê Thanh Thủy, vợ ông Nguyễn Đình Khái – Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3 – HNX) đã mua vào hơn 2,08 triệu cổ phiếu DP3 từ ngày 18/1 đến 05/2. Qua đó, nâng sở hữu tại DP3 lên hơn 2,086 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,7%.
* IDV: Ngày 04/3 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 của CTCP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV – HNX) ngày đăng ký cuối cùng là 05/3. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 21/3/2024 và cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:15, tương đương IDV sẽ phát hành thêm hơn 4,67 triệu cổ phiếu mới trong đợt này.
* LHC: Ngày 19/3 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2 năm 2023 của CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (LHC – HNX) ngày đăng ký cuối cùng là 20/3. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 17/4/2024.
- Mỹ khuyến nghị Trung Quốc về bán phá giá hàng hóa trên thị trường toàn cầu
Theo tờ Financial Times ngày 19/2, các quan chức Mỹ đã khuyến nghị về những ảnh hưởng nếu Trung Quốc cố gắng giảm bớt vấn đề dư thừa công suất công nghiệp bằng cách bán phá giá hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Hai quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với Financial Times rằng một phái đoàn Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại của mình trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, bao gồm cả cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Mỹ quan ngại nhất về lĩnh vực sản xuất tiên tiến và đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng sạch như xe điện, tấm pin Mặt Trời và pin lithium-ion.
Liên minh châu Âu (EU) năm ngoái đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager hôm 17/2 cho biết EU đã sẵn sàng sử dụng các công cụ thương mại để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Một quan chức cho biết Washington muốn đảm bảo rằng Bắc Kinh xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Ông nói thêm rằng chủ đề này sẽ là “phần chính” trong chương trình nghị sự khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay. Trung Quốc thừa nhận rủi ro từ tình trạng dư thừa công suất, vốn là một đặc điểm trong quá trình phát triển công nghiệp của nước này trong nhiều thập kỷ, nhưng vẫn chưa vạch ra kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề.
Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12 năm ngoái cho biết tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp là một trong những “thách thức” cần phải giải quyết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Bộ Thương mại Trung Quốc trong tháng này đã công bố kế hoạch hỗ trợ “sự phát triển lành mạnh” của việc mở rộng xe điện ở nước ngoài, bao gồm cả việc tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài.