Quân sự thế giới hôm nay (20-2): Sản lượng máy bay chiến đấu Su-35 tăng mạnh bất chấp cấm vận chip
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:03, 20/02/2024
* Sản lượng máy bay chiến đấu Su-35 tăng vọt bất chấp lệnh cấm xuất khẩu vi mạch
Bulgarian Military dẫn thông tin từ hoạt động giám sát vệ tinh toàn diện và liên tục đối với một nhà máy ở Komsomolsk-on-Amur ở vùng Viễn Đông của Nga cho thấy, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế việc cung cấp vi mạch và bán dẫn, Nga vẫn duy trì và thậm chí đã gia tăng sản lượng máy bay chiến đấu Su-35 hiện đại.
Những hình ảnh vệ tinh chụp từ nhà máy Sukhoi ở Komsomolsk-on-Amur đã được SpaceKnow, một công ty công nghệ có uy tín của Cộng hòa Czech, phân tích kỹ lưỡng bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích thông tin tình báo hình ảnh (IMINT) từ dữ liệu hình ảnh thô trên một khu vực rộng lớn. Hoạt động này của SpaceKnow có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Sản lượng chiến đấu cơ Su-35 tăng vọt bất chấp lệnh cấm xuất khẩu vi mạch. Ảnh: Bulgarian Military |
Với trường hợp của Su-35, thuật toán chuyên dụng của SpaceKnow tự động phát hiện và nhận dạng máy bay, thông qua đó phân tích kỹ lưỡng một loạt hình ảnh chất lượng cao do vệ tinh SkySat chụp và được Planet Labs cung cấp trong thời gian từ tháng 4-2020 đến tháng 10-2023. Và kết quả phân tích đem lại thông tin khá bất ngờ: Số lượng máy bay chiến đấu Su-35 đã tăng mạnh. Trước đó không lâu, ông Vladimir Artkov, Phó tổng giám đốc Tập đoàn nhà nước Nga Rostech, bao gồm nhà sản xuất máy bay chiến đấu Sukhoi, cũng đã “khoe” trước Kênh truyền hình Rossiya-24 của Nga về việc “tăng gấp đôi” sản lượng máy bay chiến đấu Su-35.
Điều đáng chú ý hơn nữa là Bloomberg đã tiết lộ một chi tiết khá hấp dẫn trong một bài đăng gần đây là bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, khoảng một nửa tổng số chip và linh kiện điện tử nhập khẩu vào Nga đều có nguồn gốc từ các nhà sản xuất Mỹ hoặc châu Âu. Dữ liệu hải quan của Nga cho thấy, trong năm 2023, Moscow đã nhận được nhiều chip do Mỹ và EU sản xuất thông qua các nước trung gian. Những con chip này đều đến từ các nhà sản xuất có tiếng trong ngành như Intel, AMD, Analog Devices, Infineon Technologies, STMicroelectronics và NXP Semiconductors, với tổng giá trị lên tới khoảng 1,2 tỷ USD. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến sản lượng Su-35 của Nga không hề suy giảm mà thậm chí còn tăng lên mạnh mẽ.
* Không quân Ấn Độ thử nghiệm hệ thống phòng không SAMAR
Theo Janes, Không quân Ấn Độ đã bắn thử thành công hệ thống phòng không tên lửa đất đối không mới được sản xuất SAMAR trong cuộc tập trận Vayu Shakti-24 khai mạc vào ngày 17-2 vừa qua.
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết, Không quân Ấn Độ đã bắn thử SAMAR phối hợp cùng hệ thống tên lửa đất đối không Akash và tiêu diệt thành công “nhiều mục tiêu trên không”. SAMAR được đưa vào biên chế Không quân Ấn Độ vào tháng 12-2023 và được bắn thử lần đầu tại Căn cứ không quân Suryalanka.
Hệ thống phòng không SAMAR. Ảnh: Janes |
SAMAR là một phần của hệ thống phòng không tầm ngắn của Ấn Độ, có thể đánh chặn các mục tiêu trên không bay ở tầm thấp như máy bay không người lái, đạn tuần kích và trực thăng tấn công. Tầm bắn của SAMAR lên tới 12km với tốc độ tối đa đạt Mach 2,5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh). Hệ thống được phối hợp phát triển bởi Không quân và các công ty tư nhân Ấn Độ Simran Flowtech Industries và Yamazuki Denki và ra mắt lần đầu tiên vào tháng 2-2023 tại Triển lãm quốc phòng Aero India 2023.
Trong một báo cáo cuối năm 2023, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, Không quân nước này đã “nội địa hóa thành công” nền tảng tên lửa đất đối không có khả bắn tên lửa không đối không (AAM) theo dự án SAMAR và đã hoàn thành dự án này trong năm 2023.
* Hải quân Đức trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh SurfSAT-L của Thales cho khinh hạm F126
Trang web chính thức của Thales công bố thông tin ngày 19-2 cho biết, Hải quân Đức đang nâng cấp các khinh hạm F126 của mình bằng hệ thống liên lạc vệ tinh SurfSAT-L (SatCom) do Thales cung cấp.
Nâng cấp này bao gồm việc lắp đặt một số thiết bị đầu cuối SatCom và Hệ thống huấn luyện trên đất liền, nhằm tăng cường kết nối tầm xa trên biển. Việc bổ sung hệ thống SurfSAT-L nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng duy trì liên lạc đối với tàu hải quân, đặc biệt là đối với các khinh hạm F126 vốn được coi là một trong những tàu chiến chủ chốt của Hải quân Đức.
Được thiết kế có khả năng đối phó những thách thức lớn trong tác chiến hải quân, bao gồm thời tiết bất lợi, tác chiến cường độ cao và tác chiến điện tử, thiết bị đầu cuối SurfSAT-L sẽ cung cấp cho F126 một kết nối an toàn và linh hoạt. Đây là điều rất quan trọng để duy trì liên lạc giữa tàu chiến và trung tâm chỉ huy, bất kể những hạn chế về mặt địa lý của chiến trường.
F126 sẽ được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh SurfSAT-L của Thales. Ảnh: Navy Recognition |
Việc nâng cấp trang bị này cho thấy một bước tiến đáng kể trong việc nâng cao khả năng liên lạc vệ tinh của Hải quân Đức. Hệ thống SurfSAT-L có thiết kế mạnh mẽ, dễ sử dụng và có khả năng triển khai nhanh chóng, là khí tài giá trị cho nhiều loại tàu chiến, từ tàu khu trục nhỏ đến tàu sân bay.
Các khinh hạm F126 của Đức sẽ được sử dụng SatCom ba băng tần công suất cao có khả năng hoạt động trên các băng tần quân sự và dân sự, cũng như băng tần X, tạo điều kiện cho việc truyền dữ liệu thông suốt, cho phép tàu chiến kết nối với cả vệ tinh quỹ đạo trái đất và vệ tinh địa tĩnh, tăng cường phạm vi phủ sóng và kết nối, tối ưu năng lực liên lạc của tàu ngay cả trong các cấu trúc vệ tinh phức tạp.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)