Ngày 20/2 năm xưa: Premier League ra đời từ một bữa tối; Trạm vũ trụ Mir được phóng vào vũ trụ; Vở ballet 'Hồ Thiên nga' công diễn lần đầu
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 20/02/2024
-Ngày Công lý xã hội thế giới
Trong khóa họp thứ 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2007 đã thông qua Nghị quyết A/RES/62/10, quyết định lấy ngày 20 tháng 2 hàng năm - bắt đầu từ năm 2009 – làm "Ngày Công lý xã hội thế giới" - (World Day of Social Justice - WDSJ) với thông điệp thúc đẩy các nỗ lực để giải quyết các vấn đề như nạn nghèo và nạn thất nghiệp, và an sinh xã hội, vv....
Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO), dù đã có nhiều tiến bộ đạt được về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên thành quả thu được lại thường không được phân phối một cách đồng đều. Nhiều người đã thoát nghèo nhưng cũng có nhiều người có nguy cơ nghèo trở lại.
Công nghệ tạo ra việc làm, mở ra nhiều cơ hội và xóa bỏ công việc khổ cực, nhưng hàng tỷ người vẫn đang phải chật vật làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Nhiều xã hội bị tổn thương do sự phân hóa kinh tế và xã hội sâu sắc; người dân bị chia cắt bởi chiến tranh và xung đột.
-‘Hồ Thiên nga’ biểu diễn lần đầu tiên
Ngày 20/2/1877, vở ballet Hồ thiên nga của Tchaikovsky được trình diễn lần đầu tại Nhà hát Bolshoi Moskva. Đến nay đây vẫn là một trong những vở ballet nổi tiếng nhất thế giới, là ‘quốc hồn quốc túy’ của ballet Nga và gợi nhiều cảm hứng cho vô vàn nghệ sĩ lẫn nhà sáng tác.
Tchaikovsky sáng tác ‘Hồ Thiên nga’ khoảng năm 1875–1876, lấy bối cảnh từ những câu chuyện dân gian của Nga và Đức và kể câu chuyện về cô công chúa Odette bị phù thủy độc ác nguyền rủa biến thành thiên nga.
Hồ Thiên Nga là vở ballet đầu tay của Tchaikovsky. Với suy tưởng, ballet cũng là một bản giao hưởng, và ông đã đưa những ý tưởng của mình vào vở ballet này.
Tchaikovsky đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ về các vở ballet, ông đã đưa nghệ thuật giải trí này lên thành một nghệ thuật trừu tượng, sâu sắc, mang được những nét thầm kín trong tư duy. Nó diễn tả được những tâm tư cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu thánh thiện, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng và sự cám dỗ của đời thường.
-Mir được phóng vào vũ trụ
Lúc 0 giờ 28 phút ngày 20 tháng 2 năm 1986 theo giờ của Nga, mô-đun chính của Trạm vũ trụ Hòa bình, hay Trạm vũ trụ Mir (Mir Space Station) được phóng vào vũ trụ.
Mir là trạm được xây dựng từ nhiều mô-đun khác nhau từ nhiều lần phóng tên lửa, suốt từ 1986 đến 1996, chuyên chú vào các thí nghiệm khoa học phục vụ mục đích hòa bình và sự phát triển của con người. Mir cũng là trung tâm điều khiển và nơi sống của các phi hành gia.
Suốt 15 năm bay vòng quanh Trái đất với 23.000 thí nghiệm khoa học, đây được coi là một kỉ lục độc nhất của ngành hàng không vũ trụ thế kỉ 20. Đón nhận 104 lượt phi hành gia đến làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó có đợt lưu trú dài ngày nhất trên Trạm là của phi hành gia Nga Valeri Vladimirovich Polyakov (437 ngày).
Trong thời gian hoạt động trên quỹ đạo, Trạm vũ trụ Hòa bình cũng không thể tránh khỏi một số tai nạn khi thực hiện sứ mệnh của mình, chẳng hạn: hỏa hoạn (2/1997), mất điện do va chạm với tàu chở hàng tiếp tế Progress (6/1997), mất liên lạc với mặt đất suốt hai tháng (2000).
Theo thiết kế ban đầu, Mir sẽ tồn tại trong thời gian 5 năm nhưng đã phục vụ với thời gian gấp ba lần. Đến năm 2001, Nga quyết định kết thúc sứ mẹnh của Mir và đưa trở về trái đất.
Trước khi trở về Trái Đất, người ta cũng khá lo ngại về trường hợp có thể gây ra những thảm họa khi nó rơi xuống các khu dân cư hay thành phố lớn. Nhưng điều này đã không xảy ra, Trạm vũ trụ Hòa bình đã được cố ý phá vỡ khi gia nhập khí quyển và các mảnh vỡ của Trạm bao phủ trọn một diện tích 1.500 km² trên vùng biển Nam Thái Bình Dương vào ngày 23 tháng 3 năm 2001.
Trạm Mir được phóng lên như một phần trong nỗ lực của Liên Xô nhằm duy trì một tiền đồn nghiên cứu dài hạn trong không gian, được điều hành bởi Cơ quan Vũ trụ Liên bang (RKA)
Chi phí của chương trình Mir được cựu Tổng Giám đốc RKA Yuri Koptev ước tính vào năm 2001 là 4,2 tỷ USD trong suốt thời gian tồn tại (bao gồm cả phát triển, lắp ráp và vận hành quỹ đạo).
-Giải Ngoại hạng Anh ra đời
Ngày 20/2/1992, giải đấu với tên gọi FA Premier League đã chính thức ra đời và tách khỏi Football League là hệ thống tổ chức và quản lý các giải đấu chuyên nghiệp của nước Anh lúc bấy giờ.
Premier League ra đời trong bối cảnh bóng đá Anh và giải VĐQG Anh sa sút, các đội bóng gặp nhiều khó khăn về tài chính và thiếu hẳn sức bật so với các giải khác ở châu Âu.
Năm 1990, Giám đốc điều hành của London Weekend Television (LWT) là Greg Dyke đã có cuộc gặp với đại diện của 5 đội bóng gồm Manchester United, Liverpool, Tottenham, Everton và Arsenal trong một bữa tối và thảo luận về ‘cuộc ly khai’ Football League. Greg Dyke tuyên bố sẵn sàng mua bản quyền truyền hình của giải đấu với mức cao, đảm bảo cho mỗi CLB được chia một số tiền 'có nằm mơ cũng không thấy'.
Mục đích của nhóm này là tạo ra một giải đấu có sức cạnh tranh cao, hấp dẫn về thương mại, bảo vệ quyền lợi cho các CLB, đem đến nguồn tài chính dồi dào cùng cách quản lý mới có thể thúc đẩy sự phát triển vượt bậc cho bóng đá Anh.
Tuy nhiên, nhóm này cũng biết rằng giải đấu sẽ không có uy tín, không được ủng hộ nếu như không có sự đồng thuận từ Liên đoàn bóng đá Anh (FA), vì thế David Dein – Chủ tịch của Arsenal đã đàm phán với FA để tiếp nhận ý tưởng. FA vốn đang không có mối quan hệ tốt với Football League, khi nghe qua kế hoạch này đã đồng thuận ngay lập tức. Premier League ra đời.
Sự hiện diện của Premier League thực sự đem đến làn gió mới làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền bóng đá xứ sương mù. Premier League giờ trở thành giải đấu hùng mạnh, với doanh thu hàng tỷ bảng mỗi năm. Giải đấu thu hút các ngôi sao hàng đầu thế giới tạo ra mạng lưới chuyển nhượng lên đến hàng tỉ bảng mỗi năm.
Hiện tại, Premier League là giải đấu bóng đá được xem nhiều nhất trên thế giới, phát sóng trên 212 vùng lãnh thổ tới 643 triệu hộ gia đình.