Ngày vía Thần Tài, nhiều người đang thần thánh hóa chuyện mua vàng

Dòng chảy - Ngày đăng : 07:14, 19/02/2024

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài hoàn toàn không có căn cứ về mặt văn hóa, tâm linh hay phong thủy.

Đã 3 năm nay, chị Đào Thu Thủy (35 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) giữ thói quen mua vàng ngày vía Thần Tài.

Trước ngày vía Thần Tài năm nay, chị Thủy thường xuyên cập nhật giá vàng. "Giá vàng nhẫn SJC đã giảm sau nhịp tăng "nóng", ngày 18/2 đang ở mức 64,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá đã giảm so với ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng). Không rõ giá vàng ngày vía Thần Tài sẽ ra sao. Tuy nhiên, dù giá có tăng cao thì tôi vẫn sẽ mua ít nhất một lượng", chị Thủy cho hay.

Với nhiều người Việt, ngày vía Thần Tài là một ngày lễ quan trọng. Trong ngày này, ngoài việc sắm sửa các mâm cúng để cầu tài lộc, nhiều người còn mua vàng, chấp nhận cả mức giá cao với mong muốn năm mới sẽ phát tài, sung túc.

Ngày vía Thần Tài, nhiều người đang thần thánh hóa chuyện mua vàng - 1

Người dân mua vàng ngày vía Thần Tài để mong may mắn cả năm (Ảnh: Hà Phong).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho hay, có nhiều điển tích, truyền thuyết về ngày vía Thần Tài.

Theo quan niệm cổ, Thần Tài là các vị tiểu thổ thần nhỏ bé ở trong góc nhà. Các vị tiểu thổ thần nhỏ đến mức nhiều gia đình không dám quét nhà 3 ngày Tết vì sợ bới móc vào các góc nhà khiến các vị Thần Tài bỏ đi mất.

Nhiều gia đình quét nhà thường vun rác vào một góc vì không muốn "đổ đi tài lộc". Các vị Thần Tài vì thế thường được thờ cúng ở ban thờ dưới mặt đất, trong một góc nhà.

Quan niệm du nhập từ Trung Quốc thì cho rằng có văn Thần Tài và võ Thần Tài. Thời vua Việt vương Câu Tiễn, Phạm Lãi được tôn làm văn Thần Tài, Văn Chủng được tôn là võ Thần Tài.

Hai vị này có công giúp vua đánh thắng giặc Ngô và xây dựng Việt quốc của vua Câu Tiễn. Sau này, Phạm Lãi từ quan đi buôn và trở thành một thương gia giàu có, tiền tiêu không hết.

Khi Phạm Lãi mất đi, người dân, người lái buôn đã tôn ông làm ông tổ của nghề buôn và coi ông là Thần Tài.

Đến thời Tam quốc thì Quan Công được thờ làm Thần Tài. Tại Trung Quốc, Thần Tài là một trong những vị thần được thờ cúng rộng rãi. Theo truyền thuyết dân gian, ngày mồng 5 tháng Giêng là ngày sinh của Thần Tài nên ngày này hàng năm còn được coi là ngày Thần Tài ở đất nước tỷ dân.

Theo quan niệm nhà Phật, ngài Di Lặc nhiều vàng bạc châu báu được coi là Thần Tài. Nhưng tài của Phật Di Lặc là tài lạc - niềm vui.

"Tóm lại, trước đây, người ta không hoàn toàn đồng nhất tài với tài sản. Tài không hoàn toàn là tài lộc, tài lợi. Việc thờ cúng Thần Tài là thờ những nhân vật anh hùng, những người trí thức có công với nước với dân với tinh thần tri ân, biết ơn", nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải nói.

Cũng theo chuyên gia này, trong dân gian trước đây, ngày mùng 5 Tết hàng năm, sau khi cúng hóa vàng, các gia đình thường đến các miếu thổ thần để cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, có tài, có lộc. Nên dân gian coi đây là ngày vía Thần Tài.

Ngày vía Thần Tài thể hiện sự đa dạng trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt. Tuy nhiên do tính chất thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng nên ngày nay, nhiều phong tục, tín ngưỡng, trong đó có ngày vía Thần Tài đang dần bị biến tướng.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, khoảng 10-15 năm gần đây, nhiều người rất coi trọng ngày vía Thần Tài đồng thời cúng lễ tỉ mỉ, cầu kì và đổ xô đi mua vàng cầu may.

"Việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài hoàn toàn không có căn cứ về mặt văn hóa, tâm linh hay phong thủy. Câu chuyện mua bán ngày vía Thần Tài được những người buôn bán lợi dụng để trục lợi và đang dần mang màu sắc mê tín dị đoan", ông Hải nói.

Ngày vía Thần Tài, nhiều người đang thần thánh hóa chuyện mua vàng - 2

Các sản phẩm vàng trong ngày vía Thần Tài được thiết kế đa dạng nhằm đánh vào thị hiếu của người dân (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng, không nên tin rằng cứ đi mua vàng cầu may là cả năm làm ăn phát đạt. Điều này dễ khiến con người cảm thấy u mê, dần sa vào mê tín dị đoan.

"Thành công phải dựa vào nỗ lực của bản thân chứ không phải do sự may rủi tạo nên. Vì vậy, không nên thần thánh hóa, đẩy ngày này lên thành mê tín dị đoan", nữ tiến sĩ nói.

Trong tâm lý của nhiều người Việt, vàng vẫn được coi là một thứ tài sản có giá trị, nhiều người coi việc mua vàng đầu năm là một hình thức tiết kiệm. Dần dần, cùng với việc chạy theo ngày vía Thần Tài, người ta tin rằng mua vàng trong ngày này sẽ có nhiều tài lộc khiến giá vàng dịp 10/10 Âm lịch hàng năm luôn biến động và thường tăng cao.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, người dân không bắt buộc phải mua vàng trong ngày vía Thần Tài để cầu may, nên coi việc mua vàng là một hành động tiết kiệm hoặc để giải quyết khâu tâm lý. Tùy điều kiện mỗi gia đình, nếu có nhiều thì mua nhiều, nếu không có thì không mua cũng không sao.