Ngày 19/2 năm xưa: Đặng Tiểu Bình qua đời

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 19/02/2024

Ngày 19/2/1997, Đặng Tiểu Bình qua đời ở tuổi 92. Đây là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử Trung Quốc đương đại, có thể xem như ‘đại diện cho Trung Quốc’ trong hai thập kỷ từ 1970 đến 1990.

Đặng Tiểu Bình là người khởi xướng công cuộc đổi mới mở cửa ở Trung Quốc, đưa Trung Quốc dần trở thành một trong những cường quốc của thế giới. Ông là người đã đưa Trung Quốc đi lên theo con đường cải cách "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", cũng là người có công đưa hai mảnh đất Hồng Công và Ma Cao về với Trung Quốc.

unnamed.jpg
Dù chưa bao giờ giữ chức vụ cao nhất nhưng Đặng Tiểu Bình được xem như là 'lãnh đạo tối cao' của Trung Quốc. Ảnh. New China

Nhiều ý kiến thống nhất rằng tuy chưa bao giờ chính thức đứng ở vị trí cao nhất trong chính phủ nhưng ông chính là người nắm thực quyền trong suốt những thập kỷ 70, 80 và 90.

Thời trẻ, Đặng Tiểu Bình từng du học tại Pháp và Nga. Chính tại Pháp, ông bắt đầu tiếp nhận chủ nghĩa Mác.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào tháng 9/1976, Hoa Quốc Phong, người kế nhiệm ông, được ca ngợi là "nhà lãnh đạo khôn ngoan" sau khi cùng tướng Diệp Kiếm Anh bắt giữ Giang Thanh và phần còn lại của "Bè lũ Bốn tên". Tuy nhiên, việc ông Hoa tiếp tục thực hiện Cách mạng văn hóa và duy trì một số quan hệ gây tranh cãi đã gây mất cảm tình ở một bộ phận không nhỏ cán bộ và trí thức.

deng-xiaoping-in-france.jpg
Đặng Tiểu Bình năm 16 tuổi. Ảnh: wiki

Năm 1977, Đặng Tiểu Bình với quan hệ sâu rộng trong đảng, chính phủ và quân đội, vụt sáng trở lại. Thông qua cuộc thảo luận về tiêu chí sự thật trong suốt năm 1978 và trong hội nghị toàn thể lần 3 của BCH TƯ khóa 11 vào cuối năm đó, ông Đặng đã trở thành lãnh đạo mới của nhóm nòng cốt CPC.

Dù ông Đặng  chưa bao giờ giữ chức vụ cao nhất trong đảng nhưng ông được công nhận là người ra quyết định cao nhất của Trung Quốc từ phiên họp toàn thể lần thứ 3 của BCH TƯ khóa 11 đến khi ông qua đời vào tháng 2/1997.

deng-xiaoping-chinese-pres-jimmy-carter-white-january-1979_11zon.jpg

Các sự kiện lớn trong nước dưới thời Đặng Tiểu Bình bao gồm thành lập các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến và Chu Hải năm 1980, hoàn tất việc lên án Cách mạng Văn hóa tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng khóa 11 năm 1981, ra tuyên bố chung Trung Quốc - Anh về Hong Kong năm 1984 và các chuyến đi thị sát, chỉ đạo miền Nam của ông Đặng vào năm 1992.

Thời kỳ Đặng Tiểu Bình được mô tả chủ yếu là cải cách và mở cửa. Dưới chủ trương này, Trung Quốc đã tái định hình các đường lối phát triển chính trị, kinh tế, ngoại giao và xã hội, tạo ra một bước chuyển biến lớn trong lịch sử, từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế và từ đóng cửa cứng nhắc sang cải cách và mở cửa.

b8ac6f27b000155eb5db31.jpg
Đặng Tiểu Bình là người đã đưa Trung Quốc đi lên theo con đường cải cách "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc". Ảnh: NPR

Theo các tuyên bố chính thức, Trung Quốc đã tiến theo con đường đi lên CNXH với đặc trưng riêng hình thành thời ông Đặng. Cho đến nay, CPC vẫn vận dụng các đường lối, nguyên tắc và chính sách cơ bản được xây dựng từ thời kỳ này.

Tuy nổi tiếng và đầy quyền lực như vậy nhưng cuộc sống của gia đình và những người trong gia đình của Đặng Tiểu Bình cũng vô cùng gian nan.

20150204045834444_11zon.jpg
Đặng Tiểu Bình và vợ - Phố Trác Lâm cùng các con cháu trong gia đình. Ảnh: NPR

Ông có tất cả ba người vợ: Trương Tích Viên, Kim Duy Ánh và Phố Trác Lâm. Người vợ đầu mất ngay sau khi sinh đứa con đầu tiên vì hậu sản. Cuộc hôn nhân thứ hai với Kim Duy Ánh khá nhanh chóng và…li hôn cũng nhanh chóng, vào sự nghiệp chính trị của ông Đặng lung lay nhất. Chỉ với Phố Trác Lâm ông mới có cuộc sống gia đình đúng nghĩa, cả hai đồng cam cộng khổ cả khi ông giữ nhiều trọng trách lẫn lúc sóng gió nhất.

c5hy85vxaaaotu1.jpg
Tờ New York Times đưa tin ông Đặng qua đời trên trang nhất. Ảnh: NYT

Trong sự nghiệp chính trị nhiều màu sắc, Đặng Tiểu Bình nổi tiếng với những câu nói như "dò đá qua sông", "giấu mình chờ thời", ‘làm đi đừng nói’, “Không cải cách tức là đường cùng! Ai không cải cách sẽ phải nhường bước! Hãy để một số người làm giàu trước!”, “Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là nó bắt được chuột”.

Đặng Tiểu Bình được gọi là "kiến trúc sư của Trung Quốc thời hiện đại" và được xem xét rộng rãi như là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông được chọn là Nhân vật của năm của Tạp chí Time năm 1978 và 1985.

gettyimages-182630220.jpg
Đám tang ông Đặng Tiểu Bình năm 1997. Ảnh: THX

Năm 1989, ông Đặng quyết định rút lui khỏi những vị trí cấp cao nhất khi từ chức Chủ tịch của Ủy ban quân ủy trung ương, và đã rút khỏi sân khấu chính trị Trung Quốc năm 1992.

Đặng Tiểu Bình qua đời ngày 19/2/1997 ở tuổi 92 vì bệnh Parkinson và bệnh viêm phổi. Sau lễ tang, nội tạng của ông được tặng cho trung tâm nghiên cứu y khoa, thi hài Đặng Tiểu Bình được hỏa táng và tro sau đó được rải xuống biển theo ước nguyện của ông.

Tổng hợp