Quy định mới về chế độ báo cáo thanh tra và phòng chống tham nhũng
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:14, 17/02/2024
Thông tư áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo thông tư, có 3 loại báo cáo gồm: Báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất.
Trong đó, báo cáo định kỳ được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm; báo cáo chuyên đề được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định; báo cáo đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.
"Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện những vấn đề đột xuất, có tính chất phức tạp trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quan thanh tra cấp trên và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được chỉ đạo, phối hợp xử lý", Thông tư số 01/2024 nêu rõ về báo cáo đột xuất.
Báo cáo được thể hiện bằng văn bản giấy, văn bản điện tử, có chữ ký của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định.
Các báo cáo được gửi tới cơ quan nhận báo cáo bằng hệ thống văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước và một trong số phương thức sau: Gửi qua phần mềm hệ thống báo cáo của ngành thanh tra; gửi qua thư điện tử của cơ quan hành chính nhà nước; gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua Fax.
Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin báo cáo điện tử của ngành đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai, sử dụng có hiệu quả hệ thống báo cáo điện tử của ngành thanh tra.
Thông tư số 01/2024 của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3.