Thẻ căn cước mới: Người dân mong hình ảnh 2 quần đảo được in rõ nét hơn
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:09, 17/02/2024
Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến góp ý Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước, nhằm phục vụ cho Luật Căn cước số 26/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Theo đó, mẫu thẻ căn cước mới có nhiều sự thay đổi, dễ nhìn nhận nhất là đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
"Mong muốn các quần đảo được in rõ hơn"
Sau khi Bộ Công an công bố mẫu thẻ căn cước mới, cấp cho 2 đối tượng: 0-6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên, độc giả của Dân trí và người dân đã đưa ra những góc nhìn, đánh giá.
"Đơn giản, dễ quản lý", độc giả Hùng bình luận. Đồng quan điểm trên, Van Truong Tran cho rằng thẻ căn cước mới ghi nơi cấp là Bộ Công an sẽ tiện hơn so với thẻ căn cước công dân cũ.
"Tôi nghĩ rằng mẫu thẻ căn cước (mới) này có 3 ưu điểm. Một là mục "quê quán" (khái niệm quê quán/nguyên quán là phức tạp, mơ hồ, ngay cả mỗi công chức ngành hộ tịch cũng hiểu một cách khác nhau) đổi thành "nơi đăng ký khai sinh" (cụ thể, rõ ràng hơn).
Hai là "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú" (thực tế, hữu dụng hơn). Ba là người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước (cấp theo nhu cầu chứ không bắt buộc, rất cần thiết cho những trường hợp cá biệt", một bình luận tích cực của độc giả Lê Kiên.
Về hình thức, độc giả Tuân Nguyễn mong muốn các quần đảo được in rõ hơn trên thẻ căn cước mới.
Tương tự, Nhat Lam viết: "Chúng tôi cũng mong hình ảnh hai quần đảo và bản đồ Việt Nam được làm rõ nét hơn, tự hào hơn với người Việt Nam. Chúng tôi còn ước có hình rồng và cây tre Việt Nam trên căn cước, của trẻ em thì là măng non vàng".
Tên gọi Luật Căn cước đảm bảo tính bao quát
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 6/2023, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, nhấn mạnh dự án Luật này là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nước ta.
"Về tên gọi của dự án luật, đa số đại biểu nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đến kỳ họp Quốc hội thứ 5 vào cuối tháng 10/2023, đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ việc đổi tên luật và tên thẻ từ Căn cước công dân thành Căn cước, vì phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), tên gọi Luật Căn cước thể hiện đúng nội hàm có công tác quản lý căn cước nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, quản lý đối với toàn bộ xã hội, với mọi người dân sinh sống tại Việt Nam, không để sót bất cứ bộ phận dân chúng cũng như bất cứ cá nhân nào.
Việc lược bỏ cụm từ "công dân", theo bà Nga, không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.
Vì những lý do đó, nữ đại biểu cũng ủng hộ đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, vì như vậy thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân và xác định danh tính của mỗi cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch.
Ngoài ra, theo bà Nga, việc đổi tên thành thẻ căn cước còn đảm bảo tương đồng với thông lệ quốc tế và đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
Góp ý về quy định tích hợp thông tin vào căn cước, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Vì vậy, theo ông Thắng, việc thông tin được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước sẽ giúp giảm các giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch dân sự.
Liên quan đến nội dung thể hiện trên thẻ căn cước như lược bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ thẻ căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nhìn nhận những thay đổi, cải tiến này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng, hạn chế việc cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.