Cô gái trẻ được hồi sinh nhờ 2 lá phổi của chàng trai xa lạ
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 20:11, 15/02/2024
Huy động lực lượng hùng hậu thực hiện ca ghép phổi kéo dài 12 giờ
Người được nhận 2 lá phổi là bệnh nhân nữ 21 tuổi, ở Bắc Kạn, là sinh viên một trường đại học tại Thái Nguyên. Cô gái trẻ phải bỏ học giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Đây là bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ.
"Mỗi khi đi làm về gọi tên con, tôi chỉ trông chờ tiếng của con vọng ra. Tôi thấy rất đau lòng, nghĩ một ngày nào đó tôi có thể tuột mất con của mình. Tôi cũng đã nghĩ đến tình huống đau buồn nhất có thể xảy ra.
Tôi cảm ơn các y bác sĩ, người đã hiến tặng con tôi 2 lá phổi để con được sống, được theo đuổi ước mơ của mình", mẹ nữ bệnh nhân 21 tuổi xúc động chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, từ tháng 8/2023, bệnh nhân được đưa vào danh sách chờ ghép phổi vì tiên lượng rất xấu, mô phổi hoại tử thành kén, nhu cầu thở oxy trên 24/24. Ngày 7/2 (28 Tết), bệnh nhân vừa được cho ra viện thì chỉ một ngày sau đã phải nhập viện lại vì khó thở.
Bệnh phổi đục lỗ tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Do đó, bệnh nhân phải thở ôxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
Bệnh nhân đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
Toàn cảnh phòng phẫu thuật lấy đa mô - tạng và công tác chuẩn bị, bảo quản và điều phối phổi cho Bệnh viện Phổi Trung ương.
13h ngày 8/2 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.
Ngày 30 Tết, tạm gác lại những giờ phút quây quần bên gia đình chờ đón khoảnh khắc giao thời, hàng trăm y bác sĩ của nhiều bệnh viện tất bật chuẩn bị ca đại phẫu vô cùng ý nghĩa.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia ca ghép cùng với các chuyên gia khác từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội và chuyên gia quốc tế.
Theo TS Ngọc, sau 14 giờ đánh giá tình trạng ổn định, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân được tập phục hồi chức năng, tập tự ăn, tập ngồi, đứng, đi tại chỗ.
Ngày thứ 3, để giúp phổi nở ra, các y bác sĩ vận động giúp bệnh nhân đi được trong 5 phút. Ngày thứ 4, bệnh nhân tiếp tục tập đi, được rút dẫn lưu màng phổi 2 bên. Bệnh nhân đã có thể đi lại liên tục trong 15 phút trong khi trước đó bệnh nhân chỉ đi được 320m.
Ca ghép phổi kéo dài 12 giờ đã thành công khiến các y bác sĩ ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Người cho tạng là một bệnh nhân nam (26 tuổi, An Giang) bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Với tấm lòng thiện nguyện, nhân đạo, gia đình chàng trai đã đồng ý hiến mô, tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác.
Trong đó, 2 lá phổi được điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 9/2 (30 Tết) và kéo dài 12 giờ. 12 giờ sau mổ, cô gái trẻ đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và thầy thuốc. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Sự thành công của ca ghép phổi cho thấy các thầy thuốc Việt Nam đã làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng. Đây là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế Việt Nam, góp phần mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân.
Ghép phổi - kỹ thuật phức tạp và khó khăn nhất trong ghép tạng
Ghép tạng Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm với các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, tụy, ghép giác mạc… và một số bộ phận cơ thể khác. Thực tế, ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học. Theo đánh giá, ghép phổi khó nhất bởi tính phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp, điều phối chặt chẽ.
Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều.
Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật ghép phổi rất rắc rối, trải qua nhiều thì, đòi hỏi số lượng bác sĩ tham gia đông (Bệnh viện cung cấp).
Bởi ở người cho sống, các bác sĩ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Còn với ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép phổi.
Trong một thời gian rất ngắn, các bác sĩ phải thực hiện ca ghép phức tạp, bên cạnh đó tất cả các vấn đề như gây mê, sau phẫu thuật, hồi sức đều phức tạp…, nhất là trường hợp ghép 2 phổi đồng thời.
Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật ghép phổi rất rắc rối, trải qua nhiều thì, đòi hỏi số lượng bác sĩ tham gia đông, chia nhiều ê kíp và cần phối hợp đồng bộ với nhau. Quá trình mổ lấy và bảo quản phổi cũng khó hơn so với các tạng khác ở người chết não.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người, cho biết, ghép phổi khó, đây là ca thứ 10 được ghép phổi trên toàn quốc. Nếu như một người chết não có thể lấy thận ghép cho 20 người, lấy gan ghép cho 10 người thì ước tính cứ 10 người bị chết não thì chỉ có 2 ca lấy được phổi để ghép.
Vì vậy, ghép phổi thường gặp nhiều khó khăn và ít ca ghép hơn so với các tạng khác.
"Nếu như bệnh nhân suy thận có thể sống được 5 năm thì người bệnh bị suy tim, suy phổi chỉ có thể sống được vài tuần, vài tháng. Họ không thể sống quá lâu với chúng ta. Thực tế nhiều bệnh nhân đã không thể chờ được ghép phổi", PGS Hệ nói.
Vì thế, ông hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều bệnh nhân hơn nữa được ghép phổi cũng như ghép các tạng khác, để không còn cảnh bác sĩ phải nhìn người bệnh dần dần rời khỏi cuộc đời.
Một cuộc đời khép lại, nhiều sự sống được hồi sinh
Ngành ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến dài, khó khăn nhất hiện nay là còn thiếu nguồn tạng hiến. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết, trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới, tuy nhiên, chúng ta chưa có tên trên bản đồ thế giới về hiến tạng.
Tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới, tỷ lệ người hiến tạng sau chết não cũng thấp.
"Chúng ta đang sửa Luật hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng. Ngoài ra, hiện nay vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hiến tạng chưa có sự đồng bộ", PGS Tiến nói.
Theo các chuyên gia, công tác vận động hiến tạng từ người cho chết não ở nước ta còn rất khó khăn, do quan niệm về "chết toàn thây" của nhiều người Việt; những bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến tặng mô, tạng cần sửa đổi, bổ sung…
Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn nhưng 90% số ca ghép tạng là từ người cho sống. Từ năm 2008 đến nay, cả nước chỉ có gần 150 người cho chết não hiến tạng.
Phút mặc niệm tri ân người chết não hiến đã mô - tạng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Trung bình tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi ngày có 3-5 người chết não song mỗi năm chỉ có 3-4 ca hiến tạng.
Nguồn tạng khan hiếm, danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày một dày lên. Vì thế, các bác sĩ luôn trong trạng thái "trực chiến", bất kỳ lúc nào có điện thoại là có thể có người hiến tạng là đều có thể sẵn sàng ghép. Nhưng cuộc sống là muôn màu và không ai có thể định sẵn.
Việc được ghép tạng từ người cho chết não là số phận may rủi. Ông trời cho được thì được. Có người mới đăng ký vào danh sách chờ ghép lúc sáng thì chiều đã có, có người chờ mà không được.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện có hàng chục người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song không thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.
Các y bác sĩ mong muốn người dân sẽ ngày càng cởi mở hơn với vấn đề hiến tạng. Một cuộc đời không may dừng lại, nguồn tạng hiến sẽ giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mới. Đến nay, đã có khoảng 170.000 người Việt đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Hy vọng rằng những hành động nhân văn này sẽ ngày càng lan tỏa, để ngày càng có nhiều người bệnh được hồi sinh.
(Ảnh: Bệnh viện cung cấp)