Chợ Âm Dương cạnh nghĩa trang, mỗi năm chỉ họp một phiên vào giữa đêm
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:42, 14/02/2024
Năm 2022, chợ Âm Dương ở làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, Bắc Ninh) đã được TP Bắc Ninh phục dựng nhằm bảo tồn, giữ gìn một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng có ở vùng Kinh Bắc, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người dân địa phương.
Tối ngày 13/2 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán), ngay từ 19h, nhiều gia đình hào hứng cùng nhau tới tham gia phiên chợ độc đáo chỉ mở duy nhất một lần trong năm. Khu chợ nằm giữa đường nối từ đình làng Xuân Ổ sang đền Thượng, nằm ngay cạnh nghĩa trang ngoài cánh đồng.
Đặc biệt, tại chợ chỉ thắp đèn dầu hoặc nến, cấm dùng mọi loại ánh sáng đèn điện nên khu chợ tối đen như mực, nhiều người phải chen chúc nhau, lần mò đường để di chuyển.
Từ khi chợ Âm Dương được phục dựng lại đến nay, rất đông người dân ở khắp nơi háo hức đổ về trải nghiệm hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người xưa. Người dân quan niệm, đến chợ Âm dương không chỉ là "mua may bán rủi" mà còn là dịp để người cõi trần gặp lại người cõi âm.
Theo dân gian ghi lại ở làng, đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết là lúc âm dương giao hòa, là thời điểm trao đổi giữa người và ma, giữa cõi âm và dương gian.
Địa điểm họp chợ là bãi chiến trận giữa nghĩa quân Hai Bà Trưng với quân giặc Nam Hán, nơi đây có nhiều xác chết chất thành gò đống, quạ bay về đen kín cánh đồng nên gọi là đất Ó (quạ đen), không gian u tịch, nhiều oan hồn tử sĩ.
Do vậy, người dân đến đốt vàng mã cho người âm, lấy tiết gà đen hắt ra cổng xua tà ma. Dân làng mang vàng hương, gạo, muối, gà đen đến bán cho mọi người. Nhưng cả người mua và kẻ bán đều không mặc cả, lặng lẽ không nói gì, không nói mặc cả gọi là "mua may bán rủi".
Ngay lối vào chợ các quầy buôn bán đồ vàng hương, gạo, muối, bật lửa... để đốt cho người đã khuất. Ngoài ra còn bán thêm trầu têm cánh phượng, hoa quả, bỏng gạo...
Kể từ khi phục dựng lại phiên chợ Âm Dương năm 2022, đã 3 năm liên tiếp cô Nguyễn Thị Lưu (Xuân Ổ A, phường Võ Cường) tham gia mở quầy tại đây. Cô Lưu cho biết, mình chủ yếu bán hương, vàng mã, muối, gạo và viết sớ đầu năm để phục vụ người dân tới làm lễ.
Là người con quê hương Bắc Ninh, cô Lưu cảm thấy rất vui khi phiên chợ độc đáo này được dựng lại, dù diễn ra vào khi trời rất tốt, mắt kém khó nhìn rõ mọi thứ nhưng cô vẫn háo hức cho phiên chợ diễn ra một lần trong năm.
Bà Cao Thị Tâm (80 tuổi, người làng Xuân Ổ A) ngồi têm trầu cánh phượng phục vụ khách, bồi hồi nhớ lại hồi ức khi nhỏ theo bố mẹ ra chợ Âm Dương bán hàng. Bà Tâm cũng cho biết, kể từ khi phục dựng lại, chợ hiện tại vẫn giữ được nhiều nét truyền thống, phong tục và nề nếp cũ.
Không gian tái hiện lại "Đường vào cửa âm phủ" huyền bí tại chợ Âm Dương.
Người dân tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về tìm gặp lại mọi người. Đi chợ Âm Dương cũng là một hình thức để an ủi, động viên nhau xua tan đi nỗi buồn, thương nhớ người thân đã khuất.
Nhiều người mua vàng, hương tại chợ sau đó sang nghĩa trang ngay bên cạnh để hóa vàng tưởng nhớ đến cha ông, người thân đã khuất.
Càng về đêm, du khách đổ về trải nghiệm phiên chợ Âm Dương ngày càng đông.
Hoạt động thu hút đông đảo người dân tìm tới và tạo nên điểm nhấn của phiên chợ đêm Âm Dương là cảnh buôn bán gà đen. Mua gà đen theo quan niệm xưa là để dùng làm vật tế lễ xua vận đen, tà khí.
Người dân phải có mặt từ 20h30, xếp hàng chờ lấy phiếu tên mới có thể mua gà đen mang về. BTC chợ Âm Dương cũng không quy định giá bán, người mua tự trả giá theo thành ý để rước may mắn về nhà.
Gà đen tại chợ phải được bán hết trong đêm trước khi trời sáng, hy vọng một năm mới sáng sủa.
Anh Nguyễn Văn Quý (Quế Võ, Bắc Ninh, ở giữa) trên tay giỏ đựng gà đen mua được, phấn khởi chia sẻ, kể từ khi phiên chợ Âm Dương được phục dựng lại thì đây là lần thứ 2 anh Quý mua được gà. Để có một con gà đen năm nay, anh thành tâm gửi 470.000 đồng sau khi mất nhiều thời gian chờ đợi, vì có quá đông người xếp hàng.