Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày lễ Tình nhân Valentine
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:00, 14/02/2024
Ngày Valentine 14/2 (hay Ngày lễ Tình nhân) là ngày cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa và bày tỏ tình yêu đối với nửa kia. Nguồn gốc của Ngày lễ Tình nhân không phải gồm toàn hoa hồng, chocolate và những tấm thiệp tràn đầy yêu thương. Ngày lễ này bắt nguồn từ câu chuyện bi thương và gắn với sự hy sinh cao cả để bảo vệ quyền được yêu của con người.
Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày lễ Tình nhân 14/2
Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến sự ra đời của Ngày lễ Tình nhân - Valentine. Theo truyền thuyết phổ biến nhất, Valentine là tên một linh mục dưới thời Hoàng đế La Mã Claudius II. Vào thế kỷ thứ III, Đế quốc La Mã với tham vọng bành trướng đã tạo ra nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu tàn khốc, bao nhiêu sinh mạng bị hủy hoại và người dân ngày càng sợ phải đi lính.
Thế lực cầm quyền gặp khó khăn khi chiêu binh vì đàn ông trên khắp đế quốc chẳng ai muốn rời xa gia đình hay người yêu. Cho rằng tình yêu và hôn nhân là nguyên nhân chính khiến đàn ông không muốn ra chiến trường, Hoàng đế La Mã ra lệnh cấm tổ chức đám cưới hay lễ đính hôn.
Tuy vậy, vị linh mục tên là Valentine vẫn quyết tâm cử hành hôn lễ cho rất nhiều cặp đôi trẻ. Dù nghi lễ được tiến hành bí mật, cuối cùng sự việc vẫn bị phát giác, linh mục Valentine bị bắt và kết án tử hình. Ông bị chặt đầu vào ngày 14/2/270 sau khi bị kéo lê và ném đá đến chết.
Dần dần, ngày 14/2 hàng năm đã trở thành ngày trao đổi các thông điệp của tình yêu và Thánh Valentine đã trở thành vị thánh bổn mạng của lứa đôi. Các cặp đôi yêu nhau kỷ niệm ngày này bằng cách gửi lời chúc, tặng cho nhau những món quà truyền thống là hoa hồng và chocolate.
Ngoài ra, nhắc đến Valentine, người ta cũng thường nhớ đến những tấm thiệp ngọt ngào cùng dòng chữ “From your Valentine” (Từ Valentine của bạn). Người ta cho rằng đây vốn là phần ký tên của linh mục Valentine dưới tấm thiệp của mình.
Tặng quà gì cho người yêu vào ngày Valentine?
Vào ngày lễ này, các cặp đôi yêu nhau dành tặng cho đối phương những món quà, tấm thiệp thể hiện tình cảm của mình. Đặc trưng nhất là món quà mang màu đỏ như hoa hồng hoặc có hương vị ngọt ngào như chocolate.
Tại các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, văn hóa tặng quà ngày Valentine có khác biệt. Ở Nhật Bản, ngày lễ này là dịp để phái nữ tỏ tình với “crush” của mình. Món quà thường là hộp chocolate tự làm để thêm phần ý nghĩa. Nếu chàng trai chấp nhận, cô gái đó sẽ nhận món quà đáp lễ 1 tháng sau, tức là vào ngày 14/3 (được biết đến là Valentine Trắng).
Ngoài ra, con gái Nhật cũng tặng quà cho bạn khác giới, đồng nghiệp nam dịp Valentine để bày tỏ sự quý mến.
Tại Đài Loan (Trung Quốc) thì ngược lại, 14/2 sẽ là ngày mà nam giới dành tặng những món quà đặc biệt cho bạn nữ mình thích. Vào ngày Valentine Trắng 14/3, các bạn nữ sẽ đáp lễ bằng những món quà ý nghĩa khác.
Còn tại Anh, các cặp đôi thường dành tặng nhau bộ thìa bạc để bày tỏ tình cảm sâu sắc. Những bộ thìa này được chạm khắc tỉ mỉ hình chìa khóa và ổ khóa với ý nghĩa đối phương là người giữ chìa khóa trái tim mình.
Valentine ở Ý còn có cái tên khác là “Ngày lễ mùa xuân”. Theo truyền thống, các cặp đôi tặng nhau loại chocolate hạt dẻ được bọc trong giấy bạc đặc biệt in những vần thơ tình lãng mạn nổi tiếng hay lời tỏ tình.
Hội Thiệp mừng Mỹ (U.S. Greeting Card Association) ghi nhận hơn 1 tỷ thiệp Valentine được trao tay trong ngày lễ này mỗi năm trên thế giới, chỉ xếp hạng sau ngày Lễ Giáng sinh. Tổ chức này ước lượng khoảng 85% khách hàng mua thiệp Valentine là phụ nữ.