Niềm vui ngày Tết của những người điều tiết giao thông trên 'chín tầng mây'
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:06, 13/02/2024
Nếu cảnh sát giao thông phân luồng dưới mặt đất thì kiểm soát viên không lưu (KSVKL) lại điều tiết giao thông trên “chín tầng mây” để các máy bay cất cánh, hạ cánh an toàn tuyệt đối.
Đây là công việc hết sức căng thẳng và áp lực, đòi hỏi KSVKL có “cái đầu lạnh”, tập trung cao độ, bình tĩnh và quyết đoán trong mọi tình huống. Bởi vì chỉ một phút xao lãng, quyết định, hành động sai lầm cũng có thể phải trả giá rất đắt.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài cho biết, công việc điều hành bay không cho phép xảy ra bất kỳ sai lầm nào, đòi hỏi KSVKL tập trung tuyệt đối.
Một kíp trực của KSVKL chỉ được phép kéo dài tối đa 2 giờ. Trong khoảng thời gian này, KSVKL không làm việc riêng, không sử dụng điện thoại di động, không rời vị trí trực nếu không cấp thiết,…
Trước khi máy bay khởi hành, KSVKL sẽ cấp phát huấn lệnh cơ bản về kế hoạch bay, đường bay, thời tiết và một số thông tin cần thiết khác. Máy bay nổ máy và lăn bánh dưới sự giám sát của kiểm soát viên mặt đất.
Trường hợp xảy ra dông bão, mưa to hay các tình huống khẩn nguy, trục trặc, chưa đủ điều kiện cho máy bay hạ cánh, KSVKL sẽ yêu cầu phi công bay chờ hoặc hạ cánh tại các sân bay dự bị.
Công việc càng áp lực hơn đối với KSVKL vào cao điểm Tết Nguyên đán 2024 khi lượng chuyến bay tăng cao tại các sân bay. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày dịp này sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 900 chuyến bay, còn sân bay Nội Bài là khoảng 600 chuyến.
Để điều hành số lượng lớn chuyến bay đảm bảo các yếu tố an toàn, nhanh chóng, giảm thiểu tối đa sự chậm trễ, lực lượng KSVKL đã hết sức nỗ lực, tập trung cao độ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Các KSVKL đã phối hợp điều hành bay hiệu quả, điều tiết luồng không lưu ngay từ giai đoạn bay đường dài cho đến giai đoạn tiếp cận và hạ cánh lăn vào sân đỗ, đồng thời tạo giãn cách hợp lý giữa các chuyến bay đến để đẩy nhanh quá trình cất cánh, giải tỏa ách tắc tại sân bay.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, KSVKL phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng dẫn dắt tàu bay, kỹ năng xử lý tình huống, đưa ra quyết định chính xác trong việc cấp huấn lệnh cho tàu bay cất, hạ cánh.
Sự cố gắng, quyết tâm cao trong công tác điều hành bay của lực lượng KSVKL đã giúp hàng nghìn chuyến bay an toàn, đáp ứng số lượng lớn hành khách về quê đón Tết, du xuân.
20 năm đón Tết ở cơ quan
Gắn bó với công việc KSVKL hơn 20 năm, chị Hải Sen (Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài) chia sẻ, chị nhớ mãi cảm xúc lần đầu tiên đi trực đêm giao thừa. Thời điểm đó, chị còn trẻ, mới ra trường, trong khi bạn bè đồng trang lứa quây quần bên gia đình thì chị lại lao đi làm.
“Tôi tự hỏi không biết lựa chọn công việc này của mình có đúng không? Nhưng đến cơ quan, thấy không khí rộn ràng, người trang trí cây đào, cây quất, người cắm hoa, người chuẩn bị bánh kẹo... Bước vào ca trực, tôi còn được nhận lời chúc Tết từ phi công. Tự nhiên tôi thấy ấm áp như ở nhà”, chị Sen kể lại.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, tới nay chị Sen đã có 20 cái Tết ở cơ quan. Gia đình cũng quen với cảnh chị tất bật chuẩn bị Tết sớm rồi hối hả đi sớm, về khuya trong những ngày Tết.
Trong khi đó, cùng làm KSVKL, vợ chồng chị Thủy (Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài) phải nhờ ông bà chăm cháu mới yên tâm công tác. Niềm vui ngày Tết của những KSVKL ở đài chỉ huy chính là nhìn những chuyến bay hạ cánh an toàn, đưa mọi người về quê đoàn tụ bên gia đình.
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, dù tăng trưởng "nóng" song trong 22 năm qua, ngành hàng không dân dụng nước ta vẫn giữ an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động. Từ chỗ phục vụ chưa đầy 1 triệu lượt hành khách/năm vào năm 1990, đến nay, lượng khách qua các cảng hàng không đã vượt mốc 100 triệu lượt/năm.
Bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến bay là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là sự sống còn của ngành hàng không, đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ, tính kỷ luật cao trong toàn hệ thống. Trong đó có phần đóng góp thầm lặng của những KSVKL. Năm 2023, sản lượng điều hành bay tại sân bay Nội Bài ước đạt 188.591 lần chuyến, ngày cao nhất đạt 667 lần chuyến. Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài hiện có 131 kiểm soát viên không lưu, trong đó có 70 nữ. Cửa ra vào phòng điều hành rộng 60m2 nổi bật lên tấm áp phích màu đỏ: "Một giây lơ là cả năm trả giá, một phút chủ quan phá tan sự nghiệp". Công việc vô vàn áp lực, đòi hỏi tập trung tuyệt đối, nhận diện tình huống trong 2 giây, kiểm soát viên không lưu là những người 'giấu mặt' quyền lực sau các chuyến bay.