Tết Việt, người Việt

Dòng chảy - Ngày đăng : 09:30, 13/02/2024

Mỗi khi lắng nghe các bạn trẻ trình bày kế hoạch toàn cầu hóa, tôi hay hỏi ngay: Vậy cuối cùng là ai sẽ thực sự đi ra ngoài?

Với thế hệ chúng tôi, Tết Ta khác hẳn Tết Tây. Khi Tết Tây là một thời điểm với bộn bề số má, kế hoạch, dự kiến thì Tết Ta là lúc ngồi lại với chính mình, để hiểu mình: Ta là ai, ở đâu và với ai?

Tôi có một người bạn Mỹ, từng giữ những vị trí quan trọng tại FPT Software (Fsoft) - công ty chuyên cung cấp dịch vụ và giải pháp phần mềm cho các khách hàng quốc tế - ở hai giai đoạn khác nhau: lúc ban đầu gian khó và khi đã có thành tựu. Anh có đủ trải nghiệm để chứng kiến cuộc phiêu lưu của chúng tôi.

Cuối năm 2001, khi rời khỏi vị trí Giám đốc Phát triển Kinh doanh Toàn cầu, anh đã viết cho tôi: "Fsoft là một tổ chức được thành lập bởi những lãnh đạo ảo tưởng về năng lực của nhân viên, bán sản phẩm không cần thiết, sai thị trường, cho những khách hàng không phù hợp!". Tóm lại là một dự án sai lầm.

Tết Việt, người Việt - 1

Cầu Rồng là một trong những hình ảnh biểu tượng của TP Đà Nẵng (Ảnh minh họa: CTV)

13 năm sau, khi trở lại làm Giám đốc điều hành cho Fsoft tại Mỹ, anh lại uống rượu với tôi và nói: "Nam này, tôi thấy tất cả những lỗi mà tôi nêu ra hồi làm cùng với các bạn, vẫn còn nguyên, thậm chí còn lớn hơn. Thế mà các bạn đã tăng trưởng hàng trăm lần so với hồi đó. Lạ thật!".

Tuy không hiểu, nhưng anh rất kính trọng những gì mà các bạn trẻ đã làm được, và đã đóng góp to lớn sức mình vào việc đưa FUSA (công ty con thuộc Fsoft) thành một công ty hùng mạnh ngay trên đất Mỹ.

Có lẽ khát vọng làm cho đối tác phải tôn trọng là động lực chính giúp chúng tôi, những "con ngoan trò giỏi", vốn được chiều chuộng, ở nhà ít khi phải lao động, lại sẵn sàng trả giá bằng không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để kiếm được "những đồng đô la xanh" từ bên ngoài thế giới mang về nước.

"Họ trả tiền cho mình, tức là họ tôn trọng mình. Họ trả nhiều tiền cho mình, chứng tỏ họ tôn trọng mình nhiều hơn", chúng tôi quan niệm như vậy.

Gần đây thì tôi bắt đầu hiểu, khát vọng đó xuất phát từ bản năng của chính dân tộc Việt Nam. Một dân tộc nhỏ, tồn tại cạnh một trong những nền văn minh lớn nhất sẵn sàng hòa tan tất cả, đã kiên cường chống trả tất cả những thế lực muốn khuất phục, để tìm được chỗ đứng của mình, được cả thế giới ghi nhận và tôn trọng.

img_9361.jpeg

Tôi muốn cám ơn đất nước đã bao lần nâng đỡ, giúp chúng tôi vượt qua những thời khắc khó khăn:

Khi anh Trần Văn Hùng (Hùng Henry) cùng hát với tôi: "Muôn thu sau lưu tiếng anh hào, người dân Việt lắm chí cao" trước khi sang Mỹ mở văn phòng năm 2000. Hùng cũng là người đầu tiên của Fsoft bay sang Bangalore làm thủ tục thành lập FPT India (Ấn Độ) tháng 9/1999.

Chặng đường ngắn hay dài đều không thể hoàn thành, nếu không có những bước đi đầu tiên. Nên bây giờ mỗi khi lắng nghe các bạn trẻ trình bày kế hoạch toàn cầu hóa đầy khí thế hừng hực xong, tôi hay hỏi ngay: Vậy cuối cùng là ai sẽ thực sự đi ra ngoài? Trần Văn Hùng là "tướng tiên phong" của chúng tôi thời ấy.

Khi Lê Tuấn, một thanh niên Việt kiều chưa từng quen biết, email từ Bruxell (Bỉ): "Anh Nam, em có thể trông không giống người Việt Nam, nhưng trong tim em là người Việt Nam". Tuấn đã thuyết phục được một hãng viễn thông Bỉ lần đầu tiên chuyển công việc sang Việt Nam.

Khi bốn cô "Osin" (4 phụ nữ Việt Nam đi lao động ở nước ngoài) đã dạy tôi ở sân bay Đài Bắc, rằng muốn cạnh tranh kiếm tiền ở nước ngoài, hãy tìm và phát huy sở trường của người Việt, chứ không chỉ chăm chăm đi sửa lỗi.

Khi cô bé bán sứ Bát Tràng đã làm ông khách hàng Mỹ choáng ngợp vì sẵn sàng ship (vận chuyển) đôi bình cao hơn 1m sang Mỹ mà không cần biết thành phố Portland nằm ở đâu.

Khi ông lái taxi ở Tokyo (Nhật Bản) vừa chở chúng tôi vừa hát bài "Vì nhân dân quên mình" bằng tiếng Nhật, nhớ lại ông đã từng hát bài này khi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam

Khi người khách hàng cựu binh Mỹ, đã nhờ chúng tôi chuyển lại cuốn nhật ký của một liệt sĩ Việt Nam mà ông đã gìn giữ hơn 30 năm, cho gia đình cùng với bức thư ông đích thân viết bằng tiếng Việt.

Rất nhiều những thời điểm như vậy…

tet-nguyen-dan-1.jpg

Và cuối cùng là những bài học vô giá về "Chiến tranh nhân dân", được rút ra từ thực chiến, qua sự sàng lọc để chúng tôi tiếp nhận, biến đổi và thực thi trong cuộc chiến kinh tế mới.

Trong những bài giảng cho sinh viên tại Đại học VinUni về lịch sử cận đại Việt Nam, tôi muốn truyền đạt lại cho các bạn trẻ tất cả những bài học mà đất nước này đã truyền cho chúng tôi.

Trong thế kỷ 20 đầy loạn lạc của nhân loại, các bậc tiền bối đã không những phải đối đầu với kẻ thù, mà đôi khi phải vượt qua chính các đồng minh của mình, để khẳng định rằng người Việt Nam sẽ tự quyết định vận mệnh của chính mình. Chúng ta có thể đã phải trả một giá rất đắt. Nhưng người Việt Nam muốn Việt Nam phải là một đất nước thống nhất, không thể chia cắt.

Chúng ta có thể chưa giàu có. Chúng ta có thể sai lầm. Chúng ta có thể thất bại. Chúng ta có thể buồn bã, cay đắng. Nhưng ý muốn của chúng ta phải được tôn trọng!