Vì sao không nên ăn lại rau đã nấu chín để qua đêm?
Ẩm thực - Ngày đăng : 19:00, 12/02/2024
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), rau xanh là phần không thể thiếu trong thực đơn ăn uống hàng ngày, bởi chúng chứa rất nhiều hàm lượng chất xơ, khoáng chất, vitamin tốt cho sức khỏe. Việc bổ sung thêm những khoáng chất này rất cần thiết cho sự phát triển cho cơ thể.
Rau đem đun lại sẽ rất nồng, ngoài mất chất dinh dưỡng, hương vị cũng kém phần ngon như khi mới nấu. (Ảnh minh hoạ)
Khi vào bếp, nhiều bà nội trợ có xu hướng làm nhiều rau hơn bình thường vì sợ cả nhà ăn thiếu. Kết quả là khi kết thúc bữa cơm, những món rau xào, canh rau hay rau luộc bị thừa. Không ít bà nội trợ đem rau đã nấu chín bảo quản tủ lạnh để ăn vào bữa hôm sau.
Tuy nhiên, các loại rau đã nấu chín không nên đem cất trong tủ lạnh để đun lại. Rau đem đun lại sẽ rất nồng, ngoài mất chất dinh dưỡng, hương vị cũng kém phần ngon như khi mới nấu.
Theo chuyên gia, đây là thói quen không có lợi cho sức khỏe. Các món ăn khi đun nấu lại sẽ mất chất dinh dưỡng, nhiều thực phẩm còn dễ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.
Thức ăn thừa nói chung, rau xanh nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị ôi thiu, ăn vào dễ ngộ độc. Dấu hiệu của bệnh là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.
Các loại rau đã chế biến chỉ có thể an toàn trong 3 tiếng, tốt nhất nên ăn rau xanh tối đa 2-3 giờ sau khi nấu. Khi thừa rau tốt nhất bạn nên bỏ đi, không để qua đêm hoặc hâm nóng lại. Lúc chế biến cũng chỉ nên cho vừa đủ, tránh mua nhiều vì dễ dư thừa.
Theo chuyên gia, rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, rau xanh có thể ngăn ngừa cả những bệnh như bệnh tim và ung thư, vì chúng giàu ma giê, kali, canxi, sắt, axit folic và vitamin C. Ăn rau xanh thường xuyên cũng là cách lý tưởng để bổ sung vitamin và muối khoáng.
Theo VTC