Cơ hội việc làm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 16:55, 12/02/2024
Thiết kế vi mạch được dự đoán là lĩnh vực đầy triển vọng trong vòng 10 đến 15 năm tới và sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều thí sinh.
Cơ hội việc làm của lĩnh vực Thiết kế vi mạch
Thiết kế vi mạch là lĩnh vực chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit). Đây là chuyên ngành của ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có lĩnh vực thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, khu vực TP.HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.
Cũng theo khảo sát của HSIA, nhân sự thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 - 30 triệu đồng. Sau 6 năm, mức lương nhân sự ngành học này nhận về dao động từ 0,6 - 1 tỷ đồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ/năm.
Học ngành Thiết kế vi mạch ở đâu
Hiện lĩnh vực Thiết kế vi mạch đang nằm trong chương trình đào tạo của ngành Viện Điện tử - Viễn thông hoặc Vật lý kỹ thuật của các trường đại học top đầu, chỉ một số trường mở ngành đào tạo riêng.
Đại học Bách khoa Hà Nội có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của những ngành học này dao động từ 24,28 - 26,26 điểm.
Nhà trường quy định mức học phí đối với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông dao động 26 - 29 triệu đồng/năm; ngành Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano dao động 23 - 26 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - năm 2024, lần đầu tuyển sinh ngành ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.
Chương trình đào tạo của nhà trường hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp. Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - từ năm 2024, trường sẽ mở thêm chuyên ngành vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.
Trước đó, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông cũng có đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Năm ngoái, nhà trường lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành học này là 24,05 điểm (A00; A01).
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn(Đại học Đà Nẵng) đã công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024. Trường lần đầu tiên mở ngành thiết kế vi mạch bán dẫn và thu hút thí sinh đăng ký ngành này bằng học bổng 50 - 100% học phí trong năm đầu. Điều kiện là thí sinh đạt 24 điểm thi tốt nghiệp trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Năm 2023, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,4 điểm (A00; A01).
Ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chuyên ngành này còn xét tuyển theo 3 phương thức khác: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét chứng chỉ quốc tế. Nhà trường quy định mức học phí đối với chuyên ngành này ở năm trước là 33 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh lĩnh vực Thiết kế vi mạch của một số trường khác như: trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Phenikaa, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), trường Đại học FPT.