Nơi vua Hàm Nghi xây thành lũy, đặt súng thần công
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:35, 12/02/2024
Quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm, đền Công Đồng nằm trên địa bàn thôn Phú Thành và thôn Phú Yên, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi vua Hàm Nghi lập căn cứ địa, tuyển quân, tập luyện quân sự và ban tặng nhiều bảo vật cho dân chúng.
Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng ba công trình này là cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001. Trong ảnh là dấu tích thành Sơn Phòng hình chữ nhật.
Vua Hàm Nghi tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1871-1944), là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13.
Sau cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài, chọn xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) làm căn cứ địa. Tại đây, vua viết chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh đuổi thực dân Pháp. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Algeria và qua đời tại đây năm 1944. Ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.
Thành Sơn Phòng được vua Hàm Nghi cho xây dựng vào năm 1885, bốn phía có làng quê bao bọc. Công trình quân sự này nằm ở tả ngạn sông Tiêm, gần chân núi Trường Sơn. Đây là vị trí rất thuận lợi trong quân sự, có thể xuôi về tỉnh lỵ Hà Tĩnh, có đường tắt qua tỉnh Nghệ An, lại có đường xuyên rừng đi vào Quảng Bình hoặc sang Lào.
Thành được đắp theo hình chữ nhật với tổng diện tích 4.200m2, chiều rộng 200m, dài 210m.
Thành Sơn Phòng được đắp cao 2,2m, chân thành 9m, mặt thành 7m.
Thành có 4 cửa theo hướng đông - tây - nam - bắc. Mỗi cổng có kích thước 8m, riêng cổng chính có kích thước 8,5m, tại 4 góc có 4 ụ đất đặt súng thần công.
Dưới chân thành đều có hào nước vừa để ngăn cản quân địch, vừa là đường thủ nối liền các khu vực trong thành và cũng là đường rút lui ra sông Tiêm để vào rừng khi có nguy biến.
Hào sâu 2m, rộng trung bình 5,5m. Ngày nay, hệ thống hào thành trở thành kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
Đền thờ vua Hàm Nghi được xây dựng ngay vị trí trung tâm khu di tích thành lũy Sơn Phòng.
Đền thờ xây dựng theo lối kiến trúc xưa, trung tâm đền có tượng vua Hàm Nghi. Phía trước đền có 2 con voi đá, xung quanh có hệ thống sân, tường bao làm bằng đá xanh.
Cách đền thờ vua Hàm Nghi không xa là đền Công Đồng có tổng diện tích 2.100m2 được xây dựng từ thời Lê. Đền thờ hai vị đại tướng đánh giặc giữ yên bờ cõi, khai sơn phá trạch, chiêu dân lập ấp.
Những năm đóng quân ở xã Phú Gia, vua Hàm Nghi từng nhiều lần tới thăm nơi đây. Đền lưu giữ bức màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc đồng dùng cho vua, 37 đạo sắc phong của các triều Lê - Nguyễn.
Đền Trầm Lâm (còn gọi là miếu Trăm Năm) nằm cách thành lũy Sơn Phòng khoảng 500m. Đền có tổng diện tích 6.000m2, thờ Đức Thánh Mẫu. Phía trước đền có một giếng nước sâu, theo người dân Phú Gia là không bao giờ cạn nước.
Theo truyền ngôn, rạng sáng 20/9/1885, vua Hàm Nghi vừa chợp mắt liền được báo mộng giặc Pháp đang đưa quân vây ráp, cần phải định liệu. Tỉnh dậy, vua giao cho Tôn Thất Thuyết và triều thần vào tạ lễ ở miếu Trầm Lâm.
Ngày 25/9/1885, vua Hàm Nghi sắc phong cho các vị thần được thờ ở đền Trầm Lâm và đền Công Đồng. Sau đó, vua cảm ơn người dân trong làng rồi rút lui vào vùng núi Quảng Bình.
Trước khi rời thành Sơn Phòng, vua Hàm Nghi tặng cho người dân địa phương những phẩm vật quý giá để đáp lại công phò vua giúp nước. Những hiện vật vô giá này gồm 2 con voi bằng vàng nguyên khối (một con nặng 2,7 lượng, một con nặng 1,7 lượng), 2 thanh kiếm lưỡi sắt có cán sơn son thiếp vàng, 40 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, cờ lộng, một con nghê đồng, một tấm áo bào, 20 chiếc quạt (Ảnh: Cổng thông tin Hương Khê).
Người dân xã Phú Gia xem những hiện vật của vua Hàm Nghi ban tặng như báu vật và thay nhau gìn giữ cho đến ngày nay (Ảnh: Cổng thông tin Hương Khê).
Khoảng 2 năm một lần hoặc tùy vào sức khỏe của cố đạo - người lưu giữ báu vật, vào ngày mùng 7 tháng Giêng (âm lịch), các báu vật của vua được rước từ nhà cố đạo cũ qua đền Công Đồng, thành Sơn Phòng và đền Trầm Lâm rồi mới tới nhà cố đạo mới để lưu giữ, bảo quản.