'Xông biển' mùng 1 Tết, ngư dân kiếm tiền triệu
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:58, 11/02/2024
Mặc dù mới chiều mùng 2 Tết nhưng một số tàu cá tại vùng biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã cập bến. Đối với ngư dân, việc ra khơi ngày đầu năm không chỉ vì kinh tế mà còn là chuyến khởi hành với mong muốn cầu cho một năm làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Gần 13h chiều mùng 2 Tết (11/2), 3 chiếc thuyền chở tôm, ghẹ, cá,... cập bến chợ cá xã Giao Hải (huyện Giao Thủy) để kịp phiên chợ buổi chiều. Đây là những thuyền đã "xông biển" ngay từ mùng 1 Tết. Mỗi ngày chợ cá Giao Hải có hai phiên. Phiên buổi sáng từ 4h đến 6h sáng, phiên buổi chiều từ 13h đến 15h.
Thời điểm này, các thương lái ở khắp nơi nườm nượp đổ về chợ cá Giao Hải để thu mua các loại hải sản như tôm, cá, tôm tít (bề bề), cua... Người mua, người bán đứng ngay tại bãi cát để trao đổi.
Nhiều tiểu thương chờ đợi từ khi những chuyến tàu còn chưa cập bến. Họ ngồi tận mép nước để có thể chọn mua được những mẻ cá, tôm tươi ngon nhất.
12h50 chiều mùng 2 Tết (ngày 11/2), tàu cá của anh Lương Văn Sáng và Lương Văn Tư (trú xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định) cập bến chợ cá Giao Hải. Do nước nông, tàu cá để ngoài xa nên anh Sáng cùng bạn thuyền phải đi thuyền mủng đưa hải sản vào bờ.
Sau 24 tiếng lênh đênh trên biển, thuyền của anh Sáng cập bến với gần 23kg tôm tít, 5kg mực, 3kg cua...
Trên bờ, chị Lê Thị Thương (30 tuổi, vợ anh Lương Văn Tư) chia các loại hải sản như cá, tôm, cua, mực... để bán cho thương lái.
"Những ngày Tết, tôm tít, cá khoai là dễ bán nhất, dao động ở mức 200.000 đồng/kg. Chuyến đi đầu năm này chi phí hết khoảng 9 triệu đồng, thu về 13 triệu đồng", chị Thương phấn khởi chia sẻ.
Tại chợ cá Giao Hải, tôm sú biển được chị Thương bán cho thương lái với giá 400.000 đồng/kg, mực 100.000 đồng/kg... Chị Thương chia sẻ, mới ngày mùng 2 Tết nên chỉ có 3-4 thuyền ra khơi. Các thuyền này đều xuất bến Giao Hải từ chiều mùng 1 Tết.
Bà Thìn (tiểu thương tại chợ Bể, xã Giao Nhân) cho biết, ngày Tết nhu cầu ăn hải sản của người dân tăng cao nên giá cũng đội lên gấp đôi nhưng không có hàng để bán. Sau gần 2 tiếng chờ đợi, bà Thìn mua được gần 1kg tôm sú và hơn 10kg tôm tít cùng 10kg cua, cá các loại.
"Đây là mối hàng quen, đã lấy cả năm nên hôm nay họ mới để lại cho một ít", bà Thìn cho biết.
Anh Trần Văn Bảy (38 tuổi, trú xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết, các loại cá nhỏ sẽ được thương lái thu mua rồi vận chuyển vào các tỉnh miền Tây để làm thức ăn cho tôm hùm.
"Cá, tôm lớn giá trị kinh tế cao sẽ được bán ngay trên mặt đê còn các loại nhỏ hơn vận chuyển vào miền Tây tiêu thụ. Trước đây, các loại cá nhỏ được thu mua về làm thức ăn chăn nuôi nhưng nay đã chuyển đổi làm thức ăn cho tôm hùm", anh Bảy chia sẻ.
Sau chuyến đi biển đầu năm, anh Lương Văn Tư cầm về nhà con cá tai tượng nặng khoảng 4kg để ăn Tết. Khi lên bờ, con cá tai tượng được nhiều người dân hỏi mua với giá cao nhưng anh Tư nhất quyết không bán vì quan niệm con cá là sự may mắn, tài lộc cho cả năm.
Anh Tư cho biết, những ngày này, ngư dân ra biển chủ yếu săn tôm tít vừa dễ đánh bắt giá thành lại cao. Tại chợ cá Giao Hải chiều mùng 2 Tết, tôm tít loại 1 sống, từ 10 đến 15 con/kg được các tiểu thương mua lại với giá 200.000 đồng/kg còn loại 2 từ 30 đến 40 con/kg có giá 120.000 đồng/kg.
Ngư dân khác tên Lương Văn Sáng phấn khởi chia sẻ: "13h chiều qua (mùng 1 Tết) thuyền ra khơi, đến 12h50 trưa nay vào đến bờ. Kết thúc chuyến đi, trừ các chi phí còn lãi khoảng 4-5 triệu đồng".
Trước đây, ngư dân các xã Giao Hải, Giao Long... (huyện Giao Thủy, Nam Định) đánh bắt hải sản về thường phải mang đến các chợ xung quanh để tiêu thụ.
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, số phương tiện đánh bắt nhiều thêm, lượng hải sản khai thác mỗi ngày cũng tăng lên với đa dạng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Chợ cá Giao Hải được hình thành nhằm tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của trên 1.000 tàu thuyền ngư dân các xã trong huyện Giao Thủy và các huyện lân cận.