Có nên rửa trái cây trong máy rửa chén?
Gia đình - Ngày đăng : 20:00, 08/02/2024
Rửa trái cây, rau trong máy rửa chén có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh: Alamy.
Hầu hết chúng ta đều rửa sạch trái cây và rau quả bằng nước bình thường, nhưng một mẹo bếp núc mới được các bà nội trợ truyền tai nhau lại đưa khâu vệ sinh thực phẩm lên "một tầm cao mới": Rửa rau và trái cây bằng máy rửa chén.
Trên nhóm về máy rửa chén và đồ gia dụng, một người dùng chia sẻ nhiều hình ảnh rửa trái cây trong máy, từ cả những loại quả vỏ dày như thanh long, xoài tới na, quýt, thậm chí là cả rau sống. Những hình ảnh này đã gây tranh cãi, nhiều thành viên trong nhóm cho biết chưa từng nghĩ tới công dụng này của máy rửa bát.
Dùng máy rửa chén để rửa trái cây từng là một xu hướng trên TikTok, với lập luận trong các video cho rằng bụi bẩn và sâu bọ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi rau củ, chỉ cần đặt chúng vào máy rửa chén. Khởi nguồn cho trào lưu này là người dùng @smilelop.
Cô đặt táo, kiwi, nho, chanh, cần tây và nhiều loại trái cây khác lên kệ trên cùng máy rửa chén. Sau đó, cô sắp xếp cả quả dứa, dưa vàng, hai quả dưa chuột, các loại quả mọng khác nhau vào ngăn kéo dưới cùng và nhấn nút bắt đầu.
"Cảm ơn vì đã chia sẻ mẹo hay! Làm cách này này dễ dàng hơn nhiều so với rửa bằng tay”, một người bình luận bên dưới.
Song, các chuyên gia khuyến cáo rửa trái cây và rau quả bằng máy rửa chén không chỉ làm hòng máy hoặc hoa quả, mà còn gây hại cho chính bạn.
Nguy cơ làm hỏng cả máy rửa bát
Với những loại củ quả có cát hay nhiều cặn bẩn, bạn không nên cho chúng vào máy rửa chén để làm sạch vì đất cát có thể mắc dưới đáy hộc chứa nước thải, đi vào hệ thống bơm, xả nước.
Sau đó, chúng sẽ làm tắc hoặc kẹt cánh quạt bơm xả. Lúc này động cơ sẽ không dừng lại ngay mà vẫn tiếp tục hoạt động, có thể gây quá tải và cháy cuộn dây bên trong động cơ.
Nếu rửa bằng máy, đa phần vi khuẩn, sâu hay giun sán trên rau củ sẽ trôi vào cống thoát bị đẩy ra ngoài. Nhưng đôi khi có thể những ký sinh còn sót lại sẽ nằm ở các khe, kẽ hoặc bên trong lòng máy. Khi ta rửa chén đĩa lại dính ngược lại dụng cụ ăn uống, gây hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Người dùng khoe ảnh dùng máy rửa chén để rửa nhiều loại rau, trái cây. Ảnh: Sơn Phạm Hùng.
Người dùng @smilelop còn bày cách rót dấm vào khay đựng dung dịch rửa thông thường. Dấm vẫn thường được dùng trong quá trình vệ sinh máy rửa chén, nhưng cũng có thể khiến các chi tiết cao su trong máy nhanh hỏng hơn.
Hại người, hại quả
Bên cạnh việc hại máy móc, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng còn đáng lo hơn. Khi cho trái cây vào máy, nhiều người hướng dẫn dùng chế độ tráng, nước lạnh, thậm chí cho dấm vào khay dung dịch rửa, giống như khi rửa bằng tay.
Tuy nhiên, máy rửa chén đã trải qua hàng trăm lần rửa với dung dịch, và nếu không được vệ sinh thường xuyên thì những cặn từ xà phòng, chất tẩy rửa có thể còn bên trong lồng rửa.
“Sự khác biệt lớn nhất là chén đĩa là bề mặt không có khả năng thấm nước và bạn sẽ không ăn nó. Trong khi đó, trái cây và rau quả chỉnh là thứ bạn tiêu thụ trực tiếp và độ thẩm thấu sẽ khác nhau tùy theo loại”, Jason Bolton, Giáo sư khuyến nông và chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Maine Cooperative Extension, cho biết.
Rửa rau củ trong máy rửa chén chưa chắc đã sạch hơn. Ảnh: smilelop.
Nếu rửa bằng máy rửa chén, các loại nông sản có thể hấp thụ xà phòng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, người tiêu dùng không nên rửa trái cây và rau quả bằng chất tẩy rửa, xà phòng.
“Người tiêu dùng có thể ăn phải cặn bẩn từ xà phòng hoặc chất tẩy rửa hấp thụ trên sản phẩm và bị bệnh", Bộ Nông nghiệp ghi rõ.
“Trong một vài trường hợp, xà phòng có thành phần hóa học khác với chất mà cơ thể có thể nạp vào”, GS. Jason Bolton cho biết.
Rửa bằng máy rửa bát, xà phòng có thể sẽ để lại dư lượng và hóa chất, gây kích ứng hệ tiêu hóa, dẫn đến nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nó thậm chí có thể tiêu diệt các vi khuẩn tốt trong đường ruột của người.
Nếu không để ý, người dùng có thể quên đặt chế độ rửa nước lạnh. Nhiệt độ nước trong máy rửa chén từ 50-70 độ C, có thể làm nhũn, thậm chí là chín luôn trái cây bên trong.
Do đó, lời khuyên của các chuyên gia là chỉ cần rửa rau quả dưới vòi nước như bình thường. Theo Ben Chapman, Giáo sư và chuyên gia khuyến nông an toàn thực phẩm tại Đại học bang Bắc Carolina, nước sạch có thể loại bỏ 90-99% mầm bệnh như E. coli, salmonella, listeria...
"Sử dụng nước rất nóng hoặc rất lạnh có thể khiến sản phẩm hấp thụ các vi khuẩn bạn đang cố gắng rửa sạch", GS. Jason Bolton nói.
Tốt nhất là rửa rau quả dưới vòi nước sạch. Ảnh: iStock.
Bạn có thể sử dụng cọ để rửa đất cát trên các loại củ cứng, vỏ dày để giảm thiểu bụi bẩn, vi khuẩn và thuốc trừ sâu. Các chuyên gia khuyến cáo rửa và vệ sinh bàn chải thường xuyên.
Còn những loại rau củ dễ nát hơn nên rửa nhẹ bằng tay. Làm khô sản phẩm bằng khăn lau chén đĩa hoặc khăn giấy sạch là một bước quan trọng khác để giúp loại bỏ chất gây ô nhiễm.
Với rau, lời khuyên là rửa dưới vòi nước đang chảy hoặc ngâm qua một thau nước mát. Rau diếp và các loại rau xanh khác nên tách thành từng lá và rửa sạch hoặc ngâm riêng trong thau nước trong vài phút, sau đó rửa sạch.
Kết luận, lời khuyên của Bolton và nhóm nghiên cứu là: “Hãy kiên trì sử dụng nước để làm sạch rau củ”.
Theo Tạp chí tri thức