Đại gia Việt chi tỷ USD, viết tiếp giấc mơ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Bất động sản - Ngày đăng : 09:12, 08/02/2024
Tín hiệu tích cực từ hệ thống 7 tỷ USD
Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN) do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023, với doanh thu thuần tăng nhẹ 2,7% so với năm trước đó, lên gần 78.300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 1.900 tỷ đồng.
Đây là kết quả khá tích cực qua một năm sức cầu tiêu dùng trên cả nước, cũng như trên thế giới, tụt giảm. Nhiều nhà sản xuất và bán lẻ trên thị trường nội địa phải lao vào một cuộc đua hạ giá "khô máu".
Điểm nổi bật nhất là mảng sản xuất kinh doanh tiêu dùng cốt lõi tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng bền vững, trong khi mảng kinh doanh bán lẻ có tín hiệu đạt được mức lợi nhuận tốt trong trung hạn.
Như vậy, lần đầu tiên sau giai đoạn Covid-19, hệ thống bán lẻ WinCommerce (WCM) gần đạt điểm hòa vốn EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế). Đây là cột mốc quan trọng của Masan về lộ trình tiến đến điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế của toàn bộ mạng lưới trong năm 2024.
WinCommerce (trước có tên VinCommerce - VCM) chủ sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+ được Masan mua lại từ Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hệ thống này sau được đổi thành WinMart.
VinCommerce từng là tham vọng lớn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam trong cuộc chiến với các ông lớn ngoại trên thị trường bán lẻ nội địa. Trong khoảng 5 năm qua, ông Vượng dồn lực vào mảng xe điện VinFast và lấn sân vào các thị trường quốc tế.
Đến nay, chưa có thông tin đầy đủ về tổng khoản tiền mà doanh nghiệp của ông Nguyễn Đăng Quang bỏ ra mua hệ thống bán lẻ này, nhưng cũng đã có vài con số cho thấy quy mô khổng lồ của thương vụ.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020, có một thông tin đáng chú ý, khoản giao dịch trị giá 1 tỷ USD với Vingroup. Tháng 6 và tháng 8/2020, Masan đã chi gần 23.700 tỷ đồng để mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX từ Vingroup và tăng tỷ lệ sở hữu lên 84,8%. Trước đó, Masan đã chi nhiều khoản tiền để xây dựng đế chế bán lẻ, tiêu dùng cho tập đoàn. Năm 2020, Masan đã dùng tới 25.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chi cho thương vụ hợp nhất VinCommerce.
The CrownX là công ty được Masan và Vingroup thành lập để nắm giữ vốn tại CTCP Phát triển và Thương mại Dịch vụ VinCommerce và Masan Consumer Holdings (MCH - công ty sở hữu lĩnh vực sản xuất ngành hàng tiêu dùng của Masan Group).
Với những giao dịch sau đó, CrownX được định giá 7 tỷ USD, cao hơn so với nhiều tập đoàn như Hòa Phát (6,6 tỷ USD) của tỷ phú Trần Đình Long hay hơn chính Masan (3,8 tỷ USD, tính tới 7/2).
Viết tiếp giấc mơ bán lẻ bằng đế chế bán lẻ-tiêu dùng
Thương vụ M&A sáp nhập ông lớn trong ngành bán lẻ-tiêu dùng được xem là điểm sáng của bán lẻ Việt sau cả thập kỷ trước đó bị lấn lướt bởi các nhà bán lẻ Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản gần đây. Nó cũng cho thấy khát vọng chinh phục đỉnh cao và vươn ra thế giới của doanh nhân Việt.
TS. Nguyễn Đăng Quang cho biết, WinCommerce đang trên đà gặt hái lợi nhuận bền vững trong năm 2024. Masan Consumer Holdings đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Theo ông Quang, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Masan tiếp tục ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh EBIT tăng trưởng ở mức 40,1% trong năm 2023 so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận kỷ lục của Masan Consumer Holdings (MCH) và khả năng sinh lời vững bền của WinCommerce bất chấp tiêu dùng suy yếu ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế vi mô và vĩ mô.
Nền tảng bán lẻ-tiêu dùng The CrownX (TCX) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2,6% lên gần 57.700 tỷ đồng trong năm 2023. Riêng trong quý IV/2023, doanh thu đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
WCM tiếp đà tăng trưởng EBIT và ghi nhận lợi nhuận sau thuế nhóm sản phẩm hàng bách hóa đạt con số dương trong quý IV/2023. Đây là cột mốc quan trọng cho lộ trình đạt mức hòa vốn lợi nhuận sau thuế cả năm của WCM. Trong năm 2023, WCM ghi nhận doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm trước. Trong quý IV/2023, doanh thu đạt 7.653 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Kể từ khi mảng bán lẻ của Vingroup về tay Masan, WCM tiếp tục mở cửa hàng mới đồng thời chuyển đổi và nâng cấp mô hình cửa hàng.
Trong năm 2023, WCM ưu tiên cải tạo, nâng cấp cửa hàng với mô hình phù hợp cho người tiêu dùng khu vực nông thôn và thành thị (cửa hàng Win và WinMart+ nông thôn). Tới cuối 2023, WCM có 3.633 cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc. Trong đó, có tổng cộng 1.615 cửa hàng được nâng cấp.
Trên thực tế, nếu không có đại dịch Covid-19, mảng bán lẻ của Masan có thể đã tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Ngay sau khi về tay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, hệ thống bán lẻ khổng lồ đã bắt đầu có lãi. Tới cuối năm 2020, VinCommerce chính thức hoàn tất giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi, ghi nhận EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) dương 0,2% với giá trị tuyệt đối 16 tỷ đồng.
Gần đây, Masan cũng đẩy mạnh hành trình trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu. Theo báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) năm 2023, nền tảng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn cầu của Masan đã cho thấy những kết quả tích cực khi tương ớt Chinsu nằm trong top 8 sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon.
Ở chiều ngược lại, việc hoạt động trong nhiều lĩnh vực cũng khiến những tập đoàn đa ngành như Masan gặp khó trong bối cảnh lãi suất trên thế giới cao như hiện tại và bất ổn địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào.
Gần đây, chia sẻ trên Nikkei Asia, CEO Masan Group Danny Le cho biết, chuỗi siêu thị WinMart là một trong những bước mở rộng của Masan và tập đoàn sẽ tạo điều kiện để các mảng kinh doanh mới đạt được mức lợi nhuận tốt trong trung hạn.
Theo ông Danny Le, kỷ nguyên tiền rẻ và chịu lỗ để giành thị phần đã kết thúc. Giai đoạn nhà đầu tư quốc tế chấp nhận tình trạng thua lỗ tại một công ty trị giá hàng tỷ USD đã qua, trong bối cảnh chi phí vốn cao như ngày nay.
Trong năm 2023, tín hiệu dòng tiền của Masan cũng khá tốt. Bain Capital đã đầu tư rót vốn vào Masan. Masan có thể gia tăng khoản đầu tư từ Bain và các nhà đầu tư tiềm năng lên mức 500 triệu USD. Tập đoàn SK của Hàn Quốc cũng cam kết tiếp tục đồng hành lâu dài, là đối tác lâu năm của Masan.
Doanh nghiệp của ông Quang ghi nhận dòng tiền tự do tăng trưởng mạnh, tình trạng tiền khá lớn, đạt hơn 14.000 tỷ đồng.