13 triệu USD concert Blackpink và giấc mơ làm giàu từ âm nhạc Việt
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 14:30, 07/02/2024
Những con số này một lần nữa đặt ra câu hỏi lớn cho ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: "Bao giờ chúng ta mới có được thành tựu như vậy"?
Sự khác biệt mang tên Blackpink
Năm 2023 đánh dấu sự trở lại của các hoạt động âm nhạc trên toàn cầu, sau giai đoạn cả thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Những chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ lớn đi qua nhiều quốc gia, khu vực, hàng loạt sản phẩm mới ra đời, phong phú cả về dòng nhạc và hình thức thể hiện.
Tại Việt Nam, năm qua, khán giả yêu nhạc có cơ hội tham gia hàng loạt sự kiện lớn. Bên cạnh các lễ hội âm nhạc thường niên như: Monsoon Festival, Hozo Festival; HAY Festival, những concert cá nhân của Hà Anh Tuấn, Trung Quân, Đen Vâu... cũng được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, thu hút đông đảo khán giả tới tham dự.
Thế nhưng, dấu ấn lớn nhất của thị trường biểu diễn tại Việt Nam trong năm qua chắc chắn thuộc về Blackpink. Với hai đêm diễn tại Hà Nội, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc mang về doanh thu 13 triệu USD.
Concert Blackpink thu hút hơn 60.000 khán giả và khiến giới chuyên môn, chuyên gia âm nhạc Việt Nam phải trầm trồ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Huy Tuấn nhận định: "Show diễn của Blackpink hiện là số một tại thị trường thế giới, chẳng có gì phải chứng minh thêm nữa. Không có lý do gì mà không thu được thành công ở Việt Nam. Mình có khen thêm chỉ là "vuốt đuôi".
Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng cho hay, bản thân anh đi xem cũng rất tận hưởng và hạnh phúc khi được theo dõi một chương trình giải trí hoàn hảo. "Tôi xem với tâm thế trải nghiệm một show diễn đẳng cấp, đỉnh cao từ âm thanh, ánh sáng đến những phần biểu diễn", anh nói.
Nhà sản xuất âm nhạc Vũ Anh Tuấn đánh giá, với Born Pink World Tour tại Việt Nam, các tiêu chuẩn quốc tế về biểu diễn và tour vẫn được thực hiện rất cẩn thận, quy mô đúng với concert của các nước khác trên thế giới từ sân khấu, thiết bị, khu vực khán giả, an ninh, tổ chức vòng ngoài…
Số tiền thu được từ việc bán vé chỉ là một trong những thứ mà concert Blackpink làm được. Sự kiện này còn đánh dấu lần đầu tiên Hà Nội đón chào nghệ sĩ quốc tế tổ chức concert tại địa điểm có sức chứa khán giả lớn nhất tại Thủ đô, tạo ra nhiều giá trị trong việc quảng bá văn hóa cũng như phát triển du lịch.
Từ khóa Blackpink thống trị mạng xã hội trong nhiều ngày, các chuyến bay, khách sạn, nhà nghỉ đầy ắp khách hàng, trong đó không ít khán giả tới từ Trung Quốc, Thái Lan.
Nhiều người hâm mộ châu Á bắt đầu tìm hiểu về món phở truyền thống sau khi các thành viên nhóm nhạc này giới thiệu nhiệt thành trong concert.
Cơ hội rộng mở của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam
Thành công của Blackpink trong hai đêm diễn tại Hà Nội vào tháng 7 vừa qua phần nào cho thấy, cơ hội của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam đang rộng mở. Sau nhiều năm dò đường, chúng ta đã có một nền cơ sở hạ tầng vững chắc cho những đêm nhạc đẳng cấp.
Đó là hệ thống cơ sở vật chất, từ âm thanh ánh sáng cho đến sân khấu hiện đại, đủ đáp ứng nhu cầu của các đêm diễn chuyên nghiệp. Dịch vụ lưu trú, vận chuyển phong phú, công tác bảo vệ an toàn chuyên nghiệp, cẩn trọng. Các phương tiện hỗ trợ ngày càng đầy đủ, tiện ích.
Cũng không thể không kể tới thay đổi từ phía khán giả - những người đóng góp vai trò quyết định vào thành công của 2 đêm diễn.
Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân - Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Hàn Quốc, Giám đốc Đối ngoại và Marketing của Naver Vietnam (Cổ đông của YG Entertainment - Công ty quản lí nhóm nhạc Blackpink) - chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Suốt gần 3 thập niên vừa qua, các công ty giải trí Hàn Quốc luôn đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng, tuy vậy họ rụt rè trong việc mở concert tại đây.
Lý do lớn nhất không phải bởi cơ sở hạ tầng, vấn đề an ninh, hệ thống cung cấp mà quan trọng hơn, khả năng khán giả chấp nhận giá vé họ đưa ra để cân bằng chi phí cho nhà tổ chức là không thể.
Vài năm trở lại đây, đã có những chuyển biến tích cực diễn ra khi giới trẻ, bắt đầu từ thế hệ gen Z. Việc các bạn trẻ nhiệt tình đi xem các chương trình ca nhạc trực tiếp ở trong và ngoài nước chính là lý do khiến những nhà sản xuất thay đổi quan niệm. Thành công của concert Blackpink càng khẳng định điều này".
Hơn hết, yếu tố quan trọng hàng đầu và không thể không kể tới góp phần vào thành công của concert Blackpink nằm ở kiến trúc thượng tầng - hay nói cách khác là sự hợp tác nhanh chóng, thủ tục gọn gàng từ các đơn vị quản lý văn hóa.
Trong chưa đầy 2 tháng, các vấn đề phát sinh trước thềm sự kiện đều được các Bộ, Ban, Ngành giải quyết gọn gàng, quyết liệt.
Nói về sự hỗ trợ của chính quyền, ông Bonor Seen - Giám đốc dự án Born Pink tại Hà Nội, đại diện iME Entertainment Group - bày tỏ sự cảm kích: "Với sự tích cực chỉ đạo hướng dẫn, đồng hành của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành và các cơ quan hữu quan mà quá trình tổ chức sự kiện của chúng tôi đã diễn ra một cách an toàn và hiệu quả nhất, đảm bảo tuyệt đối về an ninh trật tự, mang đến dấu ấn đậm nét trong trái tim người hâm mộ. Tôi thực sự trân trọng điều này".
Giấc mơ 31 triệu USD vào năm 2030 có quá xa vời?
Tại phiên thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội ngày 31/10/2023, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đã bình luận về 2 đêm diễn thu 13 triệu USD của nhóm nhạc Blackpink.
Ông Nghĩa nêu quan điểm: "Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD và đến 2030 là 31 triệu USD. 2 đêm diễn của Blackpink đã bằng non nửa con số chúng ta phấn đấu đến năm 2030. Điều này rất đáng suy nghĩ".
Trước đó, không ít nghệ sĩ đã bày tỏ sự kinh ngạc khi biết về số tiền khổng lồ Blackpink thu được sau mỗi đêm diễn và lợi nhuận họ mang đến cho du lịch Hà Nội chỉ với 2 đêm diễn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, NSND Quốc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - bày tỏ sự thán phục với công nghiệp biểu diễn của các nhóm nhạc Hàn Quốc: "Đến bao giờ ca sĩ Việt Nam chúng ta mới có được những đêm diễn như thế?".
NSND Quốc Hưng cho rằng, ca sĩ trẻ ở Việt Nam rất nhiều tài năng. "Tôi cho rằng, các em ấy không kém ca sĩ Kpop về tài năng, nhan sắc, kể cả khả năng vũ đạo.
Nhưng để phát triển như một ngành công nghiệp, phải cần đến rất nhiều yếu tố hỗ trợ, là sự vào cuộc của nhà nước và các cơ quan ban, ngành, tạo cơ hội, đầu tư. Kpop có cả thị trường sôi động, có công ty quản lý, công ty lên chiến lược hoạt động, đầu tư hình ảnh, xây dựng kế hoạch cho các nhóm nhạc phát triển... Chúng ta không có được điều đó".
Ông Bonor Seen - Giám đốc dự án Born Pink - không ngại ngần bày tỏ kỳ vọng concert Blackpink sẽ mở ra cơ hội để những doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức thêm nhiều show diễn đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.
"Chúng tôi khao khát mang đến cho người Việt Nam những cơ hội được trải nghiệm những show diễn chất lượng, cũng như đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ sự kiện của những người yêu nghệ thuật.
Tôi tin rằng, các concert là một sự kiện tốt cho việc thúc đẩy kinh tế, hoạt động du lịch tại điểm đến, quảng bá văn hóa quốc gia hay việc nâng cao hình ảnh thương hiệu của thành phố nói riêng và quốc gia nói chung trên bản đồ của ngành công nghiệp giải trí", ông nói.
Sự xuất hiện của những concert, chương trình nghệ thuật đẳng cấp quốc tế đương nhiên không chỉ là kỳ vọng của riêng ông Bonor Seen.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam đều đang nỗ lực vươn mình, tuy nhiên, để đạt được con số 31 triệu USD vào năm 2030, chúng ta còn cần làm nhiều thứ hơn thế.
Ông Ngô Quang Đồng - Chuyên gia chính sách công của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) - khẳng định với phóng viên Dân trí, "quả ngọt" của ngành giải trí xứ "kim chi" không phải đến trong một sớm, một chiều. Những hiện tượng như Blackpink, BTS đều dựa trên nền tảng văn hóa mạnh của Hàn Quốc.
"Tầm nhìn của họ xác định từ 30 năm nay, công nghiệp văn hóa, giải trí là ngành mũi nhọn đưa Hàn Quốc tiến ra thế giới. Đó là tầm nhìn của cả quốc gia trên cơ sở Nhà nước, Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân cùng làm chứ không phải đơn độc một mình ai. Đó là cả chiến lược phát triển về ngành công nghiệp văn hóa, giải trí", ông Đồng lý giải.
Blackpink khoe ảnh chụp cùng khán giả Việt Nam trên trang chủ của nhóm đồng thời gửi lời cảm ơn tinh thần cực "cháy" của khán giả Việt đã giúp họ có những đêm diễn bùng nổ (Ảnh: Facebook Blackpink).
Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân cũng nhìn nhận, Việt Nam có rất nhiều chất liệu, tiềm năng con người để khai thác.
"Thế nhưng, để đặt được nền móng "công nghiệp", cần phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp thành một hệ thống giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật, phát hành, phân phối và quảng bá các sản phẩm, cũng như những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho những đơn vị này hay những luật định cụ thể và rõ ràng để những người làm nghề có cái nhìn rõ ràng, cụ thể hơn khi vận hành.
Ngoài ra, muốn có thành công để xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, còn cần sự chung tay, ủng hộ quyết liệt từ chính khán giả trong nước", bà Ngân nói.
Một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có tiếng tại Việt Nam (xin được giấu tên) cũng cho rằng: "Kpop là thị trường âm nhạc nổi tiếng rất lâu nhưng gần đây mới thâm nhập thành công vào Mỹ. Việc đó cho thấy, thành công khó có thể đến từ một cá nhân mà cần sự nỗ lực của tập thể, các tập đoàn lớn, sự hậu thuẫn của Chính phủ, của Nhà nước.
Ví dụ, Bộ Văn hóa Hàn Quốc tài trợ cho nghệ sĩ như thế nào? Họ có định hướng về sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn ra sao đối với nghệ sĩ. Họ dùng văn hóa để làm kích cầu cho nền kinh tế và ngành, sản phẩm khác".
Thành quả của Blackpink hiện tại cũng là kết quả của 30 năm làn sóng Hallyu xuất hiện, bằng sự mở đường của các nhóm nhạc thuộc thế hệ gen 1 (H.O.T, Shinhwa, S.E.S...), sự phát triển của gen 2 (Big Bang, SNSD, 2NE1...).
Những kinh nghiệm được đúc rút đã giúp người Hàn tạo nên Blackpink và BTS - các nhóm nhạc chinh phục thị trường thế giới. Họ đồng đều về ngoại hình, vũ đạo, khả năng nói tiếng Anh tốt, dòng nhạc dễ tiếp cận với thị hiếu quốc tế, phương thức truyền thông chuyên nghiệp, hiệu quả...
Concert của Blackpink tại Hà Nội đã cho khán giả Việt thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại 4.0, sự khác biệt của những concert tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa những kỳ vọng về ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam, e vẫn là quá sớm.
Có điều, chẳng "hành trình vạn dặm nào không bắt đầu từ một bước chân". Với sự quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực sáng tạo của Nhà nước, những người làm văn hóa và khán giả, chắc chắn những "quả ngọt" sẽ đến vào một ngày không quá xa vời.
Theo Dân Trí