Giữ vững chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ thiêng liêng trong bối cảnh phức tạp
Chủ quyền - Ngày đăng : 14:34, 07/02/2024
Biển đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Nghi thức duyệt binh trong lễ chào cờ ở quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Kế thừa từ những bài học kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta về công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước xuyên suốt theo chiều dài lịch sử, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị của khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Tình hình phức tạp của thế giới và khu vực
Trong thế kỷ XXI, những giá trị vốn có của biển và đại dương mang lại cho con người ngày càng được thể hiện rõ nét, nguồn nhiên liệu trên đất liền ngày càng cạn kiệt do quy mô và tốc độ khai thác lớn. Trong bối cảnh đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển và đại dương, nhất là nguồn tài nguyên tái tạo vô cùng dồi dào và phong phú. Hầu hết các quốc gia đều có chính sách sách hướng ra biển và đại dương để phát triển.
Tuy nhiên hiện nay, nhân loại đang chứng kiến những diễn biến nhanh lẹ, khó đoán định của tình hình an ninh chính trị, cạnh tranh địa chiến lược, sự gia tăng các ảnh hưởng tác động của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống; sự gia tăng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc trên một số vùng biển đảo của thế giới và khu vực.
Tình hình an ninh, chính trị khu vực châu Á, nhất là khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; tình hình cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động xâm phạm trái phép ngư trường vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường trên khu vực Biển Đông trong đó có vùng biển đảo của Việt Nam.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia dân tộc trên biển đối với hầu hết các quốc gia ven biển là yêu cầu tất yếu, cấp thiết hiện nay. Khu vực Biển Đông là một trong những điểm nóng của thế giới, bởi đây là vùng biển có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, hầu hết các nước lớn trên thế giới đều mong muốn có lợi ích chiến lược ở khu vực này.
Đây cũng là vùng biển mà Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh chiến lược và kiểm soát chiến lược lẫn nhau, xuất phát từ vị trí chiến lược tối quan trọng của Biển Đông, nơi chứa đựng ngững nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, nhất là dầu khí, băng cháy, vị thế… Mặt khác, các quốc gia trong khu vực Biển Đông đang có những quan điểm khác nhau về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền vẫn diễn ra, có thời điểm trở nên căng thẳng.
Việt Nam có tiềm năng tài nguyên biển rất đáng kể và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Vùng biển đảo của Việt Nam được đánh giá là một trong những vùng biển có mức độ đa dạng sinh học cao.
Đối với khu vực Biển Đông, vùng biển Việt Nam chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên quan trọng, như dầu mỏ và khí đốt, với một vùng biển rộng trải dài qua 16 vĩ tuyến, có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh quan trọng của khu vực và thế giới.
Những lợi thế cơ bản về vị trí, tiềm năng biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá chính sách hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ ngoại lực, phát huy tốt nội lực, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế biển phát triển nhanh và bền vững.
Chủ động bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ từ sớm, từ xa là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, là định hướng chiến lược, nhiệm vụ quan trọng hàng đấu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, các văn kiện, nghị quyết luôn xác định phải nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa làm thất bại âm mưu hành động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động bất ngờ.
Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta xác định: Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị, khóa XII về chiến lược quốc phòng Việt Nam, lần đầu tiên cụm từ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy được chính thức sử dụng.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp, thực tiễn quốc tế.
Thiêng liêng lễ chào cờ ở đảo Trường Sa. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc
Trên cơ sở lý luận về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định: Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người.
Chủ trương bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng ta xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, ưu tiên phát triển lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển. Nâng cao năng lực ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá.
Kiên quyết, kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả. Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực.
Thực tế trong những năm qua, tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, có lúc đe dọa đến chủ quyền, an ninh quốc gia và môi trường hòa bình trên biển. Song dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển và tiềm lực quốc phòng được củng cố, tăng cường, nâng cao; đã gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quy hoạch, kế hoạch. Các lực lượng quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo như Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng được đầu tư xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên biển, quân và dân ta, trực tiếp là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng luôn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý đúng các tình huống, tuyệt đối không để bị động bất ngờ về mặt chiến lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đảo, vùng trời. Tuyệt đối giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trực tiếp góp phần rất quan trọng giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước.
Tình hình thế giới, khu vực, nhất là khu vực Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chiến tranh cục bộ, ủy nhiệm, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên và những thách thức an ninh phi truyền thống. Trên Biển Đông, tranh chấp chủ quyền biển đảo và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra căng thẳng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, đe dọa đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, tác động đến sự ổn định và phát triển của đất nước.
Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển, nhất là trên biển đảo.
5 giải pháp ưu tiên
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng về chiến lược biển đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh và tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền cho các giai tầng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và mối quan hệ giữa phát triển bền vững giữa kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền của đất nước trong tình hình mới.
Thứ hai, không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Dân quân tự vệ biển vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ba là, đẩy mạnh phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế biển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xác định. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, trên các vùng biển đảo của Tổ quốc, nhất là vùng biển phía Bắc, vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trường Sa, DK1 và vùng biển Tây Nam.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực và mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh. Xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, trong khu vực và trên Biển Đông, để xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
Tóm lại, biển đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế biển, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.