Lưu ý khi tự lái ô tô về quê dịp Tết
Xa lộ - Ngày đăng : 09:14, 07/02/2024
Tự lái xe về quê dịp Tết giúp tiết kiệm chi phí, tự do di chuyển, thăm thú các cảnh vật địa phương nơi người lái đi qua.
Anh Tuấn Anh, nhân viên văn phòng đang sinh sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM vừa có chuyến về quê tại Gia Lai. Anh cũng là người có sở thích du lịch, cắm trại bằng ô tô cá nhân mỗi dịp cuối tuần. Anh cho biết việc di chuyển bằng ô tô cá nhân giúp anh và gia đình có những trải nghiệm thoải mái mỗi khi về quê ăn Tết.
"Chi phí để cho cả gia đình về quê bằng máy bay khá tốn kém, trong khi xe khách thì lại không thoải mái. Quê tôi cũng nằm ở một huyện gần biên giới Campuchia, nên phải mất thêm chi phí, thời gian di chuyển bằng taxi từ sân bay, bến xe khách ở trung tâm TP Pleiku. Thế nên di chuyển bằng ô tô cá nhân là lựa chọn tối ưu", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho biết phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi quyết định về quê bằng ô tô cá nhân.
Kiểm tra, bảo dưỡng xe
Việc kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đi là điều bắt buộc phải làm trước mỗi hành trình.
Những cung đường vắng, ít kẹt xe là lựa chọn của anh Tuấn Anh mỗi khi về quê ăn Tết. Ảnh: NVCC. |
Hạng mục quan trọng nhất cần kiểm tra là lốp xe, sau đó mới đến dàn gầm, lọc gió, thay dầu, bố thắng, nước làm mát, nước rửa kính... Trên xe cũng có sẵn lốp dự phòng và máy bơm lốp. Đồng thời, nếu đi buổi đêm, người dùng cần có các phụ kiện hỗ trợ như đèn LED trợ sáng, đèn báo khẩn cấp, đèn pin...
Chi phí kiểm tra, bảo dưỡng đơn giản khởi điểm từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy theo dòng xe, hạng mục cần bảo dưỡng, tuy nhiên người dùng cần đặt lịch sớm, tránh việc phải đợi lâu.
Chuẩn bị nước uống, thức ăn nhẹ
Gia đình có hai con nhỏ, cộng với việc di chuyển trên cung đường vắng nên anh Tuấn Anh phải chuẩn bị nhiều đồ ăn nhẹ, thức uống. Thậm chí, anh còn có bếp chuyên dụng cho cắm trại, bình siêu tốc, lều, ghế và bàn ăn dã chiến để phục vụ gia đình.
Những phụ kiện phục vụ ăn uống lúc nào cũng có sẵn trên xe của anh Tuấn Anh. Ảnh: NVCC |
Theo anh, điều này giúp cả gia đình bổ sung năng lượng trong suốt chuyến đi. Anh cũng lưu ý với đồ ăn khô, người dùng cần xem xét về hạn sử dụng. Còn các loại thức ăn mặn như bánh mì, người dùng cần ưu tiên sử dụng, tránh trường hợp bỏ quên trong xe, gây ôi thiu, hư hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn phải. Ngoài ra, trong xe anh luôn có hộp y tế, bao gồm thuốc chống đau đầu, say xe, đau bụng...
Sử dụng các ứng dụng hỗ trợ
Nếu là một người thích khám phá các cung đường mới lạ, người dùng nên sử dụng các ứng dụng bản đồ để tránh việc đi lạc. Đồng thời, phải thường xuyên quan sát biển báo để không vi phạm luật giao thông. Những lỗi sai cơ bản người dùng hay mắc phải đó chính là quá tốc độ, đỗ xe sai khu vực quy định hay sai làn đường.
Hiện nay, trên thị trường đã có những ứng dụng tích hợp bản đồ và đọc biển báo, giúp người dùng lái xe dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số ứng dụng yêu cầu phải có kết nối internet, người dùng cần lưu ý trước khi đi vào khu vực hẻo lánh, không có sóng điện thoại.
Nghỉ ngơi nhẹ giữa chuyến đi
Với quãng đường lên đến gần 500 km, anh Tuấn Anh thường mất khoảng 10 tiếng để di chuyển từ TP.HCM lên Gia Lai. Theo anh, việc dừng nghỉ giữa chuyến đi là điều cần thiết, giúp người lái và hành khách có thể vận động, giãn cơ chân cơ tay, mang đến cảm giác thoải mái trong suốt hành trình.
"Tôi thường đặt lịch báo nghỉ ngơi mỗi 3 tiếng một lần. Đặc biệt nếu cảm thấy mệt hay buồn ngủ là tôi dừng nghỉ, không cố chạy thêm. Điều này giúp đầu óc luôn minh mẫn, không rơi vào giấc ngủ trắng. Vợ tôi cũng thường xuyên hỗ trợ tôi đổi tài, giúp tôi được nghỉ ngơi và tiết kiệm thời gian dừng nghỉ cho cả gia đình", anh cho biết.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người lái không được chạy xe quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm, người lái sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.