Tiến sĩ công nghệ thông tin viết sách du lịch

Dòng chảy - Ngày đăng : 09:10, 07/02/2024

Là một chuyên gia, nhà quản lý, nhà sư phạm về CNTT, nhưng ở tuổi 75, tiến sĩ Nguyễn Chí Công vừa cho ra mắt hai tập sách giới thiệu các điểm đến du lịch quanh Hà Nội rất công phu.

Tập 1 của bộ sách “1000 điểm đến đồng bằng Bắc Bộ” với chủ đề “Ven sông Tô Lịch” vừa mới ra mắt độc giả 3 tháng trước, thì vào ngày 14/1 vừa qua, tập 2 mang chủ đề “Xung quanh hồ, đầm Hà Nội” tiếp tục được NXB Nông nghiệp đưa lên kệ sách.

Theo dự định của TS. Nguyễn Chí Công, bộ sách sẽ gồm 10 tập. Sau 1000 điểm đến ở Đồng bằng Bắc Bộ, ông sẽ tiếp tục mở rộng ra các địa điểm tại Trung Bộ, Nam Bộ, nếu điều kiện sức khỏe còn cho phép.

Vị tiến sĩ CNTT mê di sản

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sách Alpha Books, cho rằng mảng sách giới thiệu điểm đến du lịch đang rất được độc giả quan tâm. Hầu hết sách hiện nay đều được biên soạn khá sơ sài, dựa theo các thông tin trên mạng, tính khoa học, chính xác không cao. Trong khi nội dung của TS. Công biên soạn rất công phu. “Anh Công thể hiện rõ rệt tâm huyết của một con người yêu di sản, kế thừa quá khứ, lại có thể kết nối bằng công nghệ. Anh đã kế thừa di sản của gia đình giàu truyền thống văn hóa, cùng với nỗ lực cá nhân và phát huy cao nhất khả năng của công nghệ”, ông Bình nói.

Tiến sĩ công nghệ thông tin viết sách du lịch - 1

Sinh năm 1949 trong một gia đình trí thức Thăng Long, TS. Nguyễn Chí Công là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cầu, tức “cụ cử Đông Tác”, một trong những sáng lập viên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thân sinh ông là Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966), là một trong những người có công với nền giáo dục ở Việt Nam. Chú ruột ông là học giả Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) cũng nổi danh là người yêu nước, giữ đạo, có kiến thức Nho giáo và Phật giáo thâm sâu. Anh trai ông là TS. Nguyễn Hải Hoành, cũng là một dịch giả tiếng Trung uy tín.

Tốt nghiệp kỹ sư Tin học tại Công hòa Czech, về làm việc tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển - tiền thân của Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay, ông Công đã tham gia chế tạo chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam năm 1977. Sau đó ông có thời gian du học ở Pháp, rồi về nước bảo vệ luận án Tiến sĩ. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin ISC thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia, Trưởng Tiểu ban Mạng thuộc Chương trình Quốc gia về CNTT. Hiện ông là Trưởng ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn CNTT thuộc Viện Tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời là Tổng chủ biên bộ sách Tin học Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tiến sĩ công nghệ thông tin viết sách du lịch - 2

TS. Nguyễn Chí Công ký tặng sách cho độc giả

Sau khi về hưu, ông sáng lập Bảo tàng CNTT tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đặt ngay tại nhà riêng, nơi lưu giữ hàng nghìn thiết bị và tài liệu quý hiếm liên quan đến lịch sử CNTT của thế giới và Việt Nam. Bảo tàng của ông cũng trở thành một điểm đến thú vị dành cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử và công nghệ, thường xuyên đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, học hỏi.

Cầm trên tay hai tập sách mới ra mắt, TS. Lê Lân, TBT NXB Nông nghiệp, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với sức làm việc của anh Công. Ở tuổi anh mà biên soạn một tập sách chỉ trong vòng 3 tháng với đầy đủ thông tin, hình ảnh do chính anh chụp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chính xác, khoa học mà vẫn hấp dẫn, rất đáng nể!”.

Tác giả Nguyễn Chí Công cho biết, niềm đam mê với các di sản văn hóa Việt đã hình thành nơi ông từ 50 năm qua. Những năm cuối thập kỷ 70, khi có các đồng nghiệp CNTT nước ngoài sang làm việc ở nước ta, ông thường là người đưa họ đi tham quan các danh thắng, di tích, từ đó, niềm yêu mến các di sản trong ông mỗi ngày mỗi lớn. Cũng thường xuyên chụp ảnh, ghi chép về các di sản, ông Công cảm thấy xót xa khi các công trình ngày một xuống cấp, bị hư hại, phải trùng tu hay xây mới, không còn giữ được hình dáng, hồn cốt cũ.

“Tôi đã chụp và hiện lưu giữ được hàng vạn bức ảnh về các di sản. Có những điểm đến, tôi đã trực tiếp đến 3-4 lần để chụp ảnh”, ông kể. Lo ngại các di sản đang bị “làm mới” hay thậm chí biến mất, ông đã viết hàng nghìn bài viết giới thiệu đình, đền, chùa, miếu… lần lượt đăng lên các trang web cá nhân như dongtac.hncity.org, và 360.hncity.org…

Tiến sĩ công nghệ thông tin viết sách du lịch - 3

TS. Nguyễn Chí Công thường đưa bạn bè, đồng nghiệp đi tham quan các danh thắng, di tích

Là người làm CNTT ông Công sắp xếp, lưu trữ và biên soạn tài liệu rất khoa học. Với bộ sách “1000 điểm đến” này, ông lập ra một “format” cho từng bài viết, mỗi bài gồm có tiêu đề, sapo giới thiệu vắn tắt tên di tích, danh nhân được thờ, vị trí, địa chỉ, các trường thông tin gồm lịch sử hình thành, kiến trúc, các di sản đang được lưu giữ và bảo quản ở đó, rồi các di tích lân cận…. Chỉ cần lấy các bài đã viết về mỗi di sản đã viết trước đây, biên tập lại cho đúng format này, kiểm tra, cập nhật thông tin là xong. Là người hiểu Hán, Nôm, lại có kinh nghiệm chế bản, nên ông Công có thể đẩy tốc độ biên soạn lên nhanh nhất có thể.

Mỗi tập sách được ông biên soạn gồm 200 trang, bìa mềm, giấy tốt, ảnh màu, giúp những người yêu du lịch, mê di sản dễ dàng “cuộn sách bỏ balo” khi đi tham quan. Ông mong muốn sẽ tiếp tục xuất bản các tập sách dịch ra tiếng Anh để trở thành sách hướng dẫn du lịch cho du khách nước ngoài.

Mong muốn có sự góp sức của cộng đồng

Ông cũng tự xác định, mình là “người mới” trong mảng biên soạn sách về các di sản, nên các ấn phẩm của mình đều là những sản phẩm phổ thông, dành cho đại chúng. Tuy nhiên, ông mong muốn với việc áp dụng các công nghệ mới, như gắn mã QR trên từng trang sách, hay địa chỉ rút gọn của Google có thể giúp liên kết mỗi bài viết lên không gian mạng, tạo điều kiện cho nhiều người cùng đóng góp nội dung, gửi thêm hình ảnh mới cập nhật…

“Tôi hy vọng có sự chung tay của những người yêu di sản ở khắp các địa phương, để sau này tôi già yếu hoặc mất đi, vẫn có người có thể nối tiếp được công trình này”, vị TS. già bày tỏ mong muốn của mình.

TS. Nguyễn Thành Nam, nguyên TGĐ tập đoàn FPT, nhà sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX, cho biết: “Anh Công đã đề nghị tôi làm trang “Wiki Di sản” để ai cũng có thể bổ sung vào kho thông tin đó theo định dạng chung. Nó chính là một cơ sở dữ liệu mở về quá khứ. Tuy nhiên tôi vẫn chưa tìm được bạn trẻ nào theo được cả về công nghệ lẫn độ tâm huyết cho dự án này, nên tôi vẫn áy náy lắm”.

Theo ông Thành Nam, việc đưa các di sản lên một trang Wiki là hết sức cấp bách, vì sau quá nhiều thập niên tan vỡ và mất mát, nhu cầu hàn gắn, khôi phục, chấn hưng văn hoá và lịch sử đang được chú trọng...

Tiến sĩ công nghệ thông tin viết sách du lịch - 4

TS. Nguyễn Chí Công mong muốn nhận được sự góp sức của cộng đồng trong bảo tồn di sản

TS. Công cũng nhấn mạnh, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), cách mạng công nghệ 4.0 sẽ khiến cho nhiều người mất việc, các ngành nghề cần có sự dịch chuyển phù hợp. “Việt Nam hiện mà không làm du lịch ẩm thực kèm lịch sử văn hóa thì phí quá”, ông tiếc rẻ nói.

Ông kể, cách đây hơn 20 năm, ông đã làm tổng công trình sư cho dự án chính phủ điện tử Việt Nam thành công. Bây giờ, để làm mạng lưới thông tin về hệ di sản, đặc sản vùng miền, địa phương dễ và rẻ hơn nhiều, nếu có sự chung tay của nhiều người tâm huyết. “Tuy nhiên hiện nay tôi đã lớn tuổi, sức lực không cho phép đảm nhiệm trọng trách này, rất mong có được sự cộng tác của những người yêu du lịch, đam mê với di sản Việt”.

Theo ông, quan trọng nhất là tinh thần “teamwork”. “Nếu tập hợp được một đội ngũ tự nguyện cùng làm hệ thống quảng bá di sản và đặc sản dựa trên nền bản đồ online, thì chẳng những du lịch Việt Nam bùng nổ mà thế giới cũng phải nể”, nhà khoa học 75 tuổi thể hiện trăn trở với tương lai.

Lê Tiên Long