Tết Nguyên đán ở các nước Châu Á có gì đặc sắc?
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 19:00, 06/02/2024
Bên cạnh các phong tục tập quán đa dạng, ẩm thực cũng là niềm tự hào của mỗi nước.
Đặc biệt là trong những ngày Tết ẩm thực đều trở nên đặc sắc và thể hiện được nền văn hóa riêng của các quốc gia
Trung Quốc
Vì vị trí địa lý gần gũi, Tết cổ truyền của Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng
Hòa mình vào không khí vui tươi trong tiếng kèn pháo, những màn múa lân truyền thống hấp dẫn, những ca khúc đón năm mới được mở khắp các con đường khiến lòng ai cũng rộn ràng khó tả.
Đặc biệt đâu đâu cũng ngập tràn sắc đỏ, bởi người Trung Quốc quan niệm treo lồng đèn đỏ để rước may mắn, câu đối đỏ như lời chúc ý nghĩa đầu năm, dán giấy hoa văn đỏ với mong muốn mang lại sự thịnh vượng và đốt pháo đỏ như một cách xua đuổi những điềm xui
Người Trung Quốc cũng quan niệm những món ăn ngày Tết đều có ý nghĩa tiễn những điều không may của năm trước và rước tài lộc may mắn vào nhà.
Phải kể đến là món sủi cảo, món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Trung Quốc. Sủi cảo nhân rau thịt được nặn theo hình các lượng bạc của Trung Quốc tuyên truyền rằng, càng ăn nhiều sủi cảo sẽ có càng nhiều tiền trong năm mới.
Mì Trường Thọ cũng là một món ăn truyền thống và quen thuộc tại đây. Món mì này mang lời chúc về tuổi thọ dài lâu, vì vậy những sợi mì đều rất dài và không được cắt ngắn. Mì thường được ăn cùng nước dùng và rau cải.
Hàn Quốc
Tết ở Hàn Quốc còn được gọi là Seollal và kéo dài trong 3 ngày. Trong những ngày này, người dân thường mặc Hanbok dạo phố, đi thăm họ hàng và tiến hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Buổi tối trước đêm giao thừa người ta sẽ tắm bằng nước nóng để tẩy trần và mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trong đêm giao thừa họ thường đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma.
Ngoài ra, theo tục lệ cổ xưa thì người ta cũng sẽ treo một cái xẻng bằng rơm (Bok-jo-ri) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi ngoài cửa để nhận được phúc lộc quanh năm.
Một điểm độc đáo trong niềm tin dân gian khác là không nên ngủ trước lúc giao thừa, nếu làm điều đó thì hôm sau khi thức dậy sẽ bị bạc trắng lông mi và đầu óc kém minh mẫn.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực trong ngày tết của người Hàn Quốc. Đồ cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết, lên đến hơn 20 món, trong đó món ăn không thể thiếu trong ngày Tết như tteokguk (canh bánh gạo), galbijjim (thịt hầm), japchae (miến trộn rau), yakgwa (món tráng miệng truyền thống)… Vô cùng hấp dẫn.
Singapore
Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của Việt Nam, tại Singapore tưng bừng Lễ hội Mùa xuân với 3 sự kiện hấp dẫn: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay. Từ đêm Giao thừa đến hết rằm tháng giêng, đảo quốc Singapore xinh đẹp luôn nhộn nhịp, niềm vui ngập tràn trong không khí lễ hội.
Singapore rất ưa chuộng quả quýt vì theo họ, quýt có màu cam rực rỡ nếu theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là vàng thể hiện sự sung túc. Do đó, vào những ngày đón năm mới người Singapore không trưng hoa đào, hoa mai mà chọn cây quýt để trang trí trong nhà hay nơi làm việc.
Người Singapore còn tặng quýt cho người thân và bạn bè với ý nghĩa mang nhiều tài lộc, may mắn cho người nhận. Họ còn có phong tục tặng đồ đôi hoặc số chẵn nhưng kiêng số 4 vì sẽ gặp nhiều điều xui xẻo trong cả năm, nếu tặng quà lì xì cũng sẽ theo cặp và bỏ trong bao đỏ kèm theo socola.
Mâm cơm ngày Tết của người dân nơi đây không thể thiếu món gỏi Yusheng. Món gỏi này được chế biến theo phong cách Quảng Đông, bao gồm cá sống (thường là cá hồi), trộn với rau củ thái nhỏ và nhiều loại nước sốt kèm gia vị. Yusheng được coi là một biểu tượng của sự phong phú, thịnh vượng và tràn đầy sức sống.
Malaysia
Lễ hội Chap Goh Meh trong ngày Tết Nguyên đán ở Malaysia là một lễ hội do người Hoa sinh sống ở Malaysia tổ chức và dần dần cũng đã trở thành nét văn hóa ở đất nước này.
Thông thường lễ hội này được tổ chức vào ngày mùng 4 – 5 tết, người dân sẽ tới chùa để cầu nguyện. Khi đến chùa mọi người sẽ viết nguyện vọng của mình lên một tờ giấy và dán lên đèn lồng treo ở chùa, với hy vọng mong ước sẽ trở thành hiện thực.
Ở Malaysia, Tết cũng là ngày sum họp và đoàn tụ. Người ta cũng nấu các mâm cỗ để thờ cúng tổ tiên, lì xì cho những người chưa lập gia đình. Một điều thú vị là các công ty, doanh nghiệp sẽ xóa một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ như một cách để mang lại may mắn cho người khác và cầu mong may mắn đến với mình. Tết là ngày mà các tổ chức từ thiện hoạt động để mang đến niềm vui cho những hoàn cảnh bất hạnh.
Không chỉ có những lễ hội tưng bừng chào đón năm mới, đất nước Malaysia còn có những món ăn truyền thống mê hoặc du khách. Vào những ngày đầu năm mới, người Malaysia thường ăn Yu Sheng – món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Các nguyên liệu của món ăn này cũng khá giống với món gỏi Yusheng của Singapore
Baba Nyonya cũng là món bánh trứ danh của Malaysia dịp Tết Nguyên đán. Loại bánh này tượng trưng cho sự pha trộn hấp dẫn giữa các món Hoa và các món Malaysia, ngoài ra còn có món bánh Kuih bangkit và Kuih Bahulu
Mông Cổ
Lễ mừng năm mới truyền thống tại "Đất nước thảo nguyên" được gọi là Tsagaan Sar, thường diễn ra từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2 (dương lịch)
Tsagaan Sar là dịp vui vẻ nhất của cộng đồng người chăn nuôi du mục, vì nó đánh dấu sự xuất hiện của mùa Xuân sau mùa Đông dài khắc nghiệt. Tsagaan Sar có nghĩa là "Trăng trắng", nêu bật ý nghĩa của sự thuần khiết và tinh thần trong trắng cho năm mới
Trong những ngày đầu năm, người Mông Cổ có tục lệ dùng sữa ngựa để rửa sạch bát đũa trong nhà. Ngoài ra họ còn uống trà và ăn những món ăn được làm từ sữa ngựa, đây là hành động được coi là có ý nghĩa tẩy sạch những tội lỗi từ năm trước. Các món ăn khác chủ yếu vẫn là thịt cừu, thịt bò, mỳ hoành thánh, sữa ngựa lên men và sữa dê.