Thảm hoạ Munich 1958: Chương kinh hoàng trong lịch sử của MU
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 08:37, 06/02/2024
Thảm họa hàng không Munich, được xem là một chương tồi tệ nhất trong lịch sử của Manchester United, nơi đã lấy đi sinh mạng và ước mơ chinh phục sân cỏ châu Âu của nhiều thành viên trong đội hình danh tiếng 'Busby Babes' của MU lúc bấy giờ.
Bi kịch kinh hoàng
Ngày 06/02/1958, chuyến bay mang số hiệu 609 của hãng hàng không British European Airways đi vào lịch sử bóng đá thế giới như một trong những hành trình tang tóc và đau thương nhất. Tai nạn thảm khốc trên đường băng Munich-Riem đã khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có 8 cầu thủ tài năng của câu lạc bộ Manchester United lúc bấy giờ.
Trước đó 1 ngày, MU dưới sự dẫn dắt của HLV Matt Busby đã thủ hòa Sao Đỏ Belgrade 3-3 trên đất Nam Tư sau khi giành chiến thắng 2-1 ở trận lượt đi trên sân Old Trafford, qua đó chính thức lọt vào vòng bán kết cúp C1 Châu Âu. Ngay sáng hôm sau, toàn đội lập tức lên máy bay trở về Anh để kịp tham dự trận đấu với Sheffield Wednesday tại FA Cup.
MU thường thi đấu không tốt sau mỗi trận trở về từ Cúp châu Âu, vì thế, HLV Busby đã đề nghị thư kí của Football League, Alan Hardaker, hoãn trận đấu kế tiếp. Thế nhưng, đề nghị của ông đã bị từ chối.
Một ngày sau, họ bắt đầu chuyến trở về Manchester định mệnh. Xuất phát từ Belgrade muộn mất một giờ và không lâu sau đó, máy bay đã hạ cánh ở Munich để tiếp nhiên liệu trong tình cảnh tuyết rơi nặng hạt tại sân bay nước Đức. Thời gian tiếp nhiên liệu chỉ 20 phút và mọi hành khách vẫn yên vị tại vị trí của mình trên khoang máy bay.
Đến 14 giờ 31 phút, các phi công nhận tín hiệu cất cánh nhưng những tiếng động bất thường từ động cơ khi tăng tốc khiến phi hành đoàn phải quyết định cho máy bay ngừng bánh. Thất bại ở lần thứ hai cất cánh khiến hành khách phải trở lại sân bay. Sau khi sự cố kỹ thuật được khắc phục, các hành khách được gọi trở lại máy bay, hai phi công là cơ trưởng James Thain và cơ phó Rayment Kenneth vẫn quyết định lên đường, bất chấp khuyến cáo từ đội ngũ nhân viên kỹ thuật sân bay.
Máy bay cất cánh chỉ với một động cơ và khi "con chim sắt" xuất phát lần thứ 3, hành khách đã thực sự hoảng sợ. Máy bay tăng tốc nhưng không đạt được tốc độ và độ cao cần thiết nên trượt khỏi đường băng trượt theo hàng rào và lao qua con đường ven đường băng. Một phần đuôi máy bay bị vỡ và tạo ra vụ nổ bên trong. Những ai ngồi ở phía sau là những nạn nhân đầu tiên.
MU gần như mất tất cả
Vụ tai nạn kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của 23 người. Trong đó có 8 người là cầu thủ của MU gồm Geoff Bent, Roger Byrne, Eddie Colman, Mark Jones, David Pegg, Tommy Taylor và Liam Whelan đều tử nạn tại chỗ còn cầu thủ Duncan Edwards qua đời tại bệnh viện sau 15 ngày. Cùng thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh này còn có thư ký Walter Crickmer, trợ lý HLV Tom Curry, chủ tịch CLB Bert Whalley, 8 nhà báo thể thao của Daily Mail, Manchester Evening Chronicle, Manchester Guardian, Daily Mirror, Daily Express, Daily Herald… Trong đó Edwards khi đấy chỉ mới 21 tuổi và được xem là một trong những tài năng xuất sắc nhất của bóng đá Anh.
Thảm họa Munich đã gây chấn động Manchester và xã hội Anh. Hàng nghìn người đã dự đám tang các nạn nhân. Ở nhiều trận đấu trên khắp nước Anh, tất cả đều dành 2 phút để tưởng niệm. MU đã được các đối thủ cho mượn cầu thủ sau đó, cũng như là đội bóng duy nhất được phép cho cầu thủ không đủ điều kiện thi đấu ở FA Cup (đã khoác áo đội khác) ra sân.
Trong thời gian Busby vắng mặt, trợ lý Jimmy Murphy là người nắm đội và họ đã đánh bại Sheffield Wednesday 3-0 ở FA Cup vào cuối tháng 2 năm đó. Kinh ngạc hơn, MU một lần nữa vô địch Anh sau 7 năm và trở thành đội bóng Anh đầu tiên vô địch Cup C1 khi đánh bại Benfica ở Wembley vào đúng 10 năm sau xảy ra thảm kịch.
Không khuất phục trước cái chết
Sau thảm kịch năm đó, không ai nghĩ MU có tồn tại được nữa không sớm thì muộn cũng sẽ rơi vào cảnh diệt vong. Nhưng lời dặn dò "Dù thế nào cũng phải giữ cho lá cờ của CLB tiếp tục tung bay" với cộng sự Jimmy Murphy của HLV Matt Busby như một thông điệp vĩnh cửu, khẳng định Man United sẽ mãi tồn tại.
Việc tái thiết đội bóng ngay lập tức được khởi động bởi trợ lý Jimmy Murphy của HLV Matt Busby, người đã không đến Belgrade vì chuyện gia đình. Trong số 9 cầu thủ còn sống sót, Jackie Blanchflower và Johnny Berry, do chấn thương nghiêm trọng nên đã không bao giờ thi đấu trở lại. 7 người còn lại bước vào chu kỳ mới: Bobby Charlton trở thành đội trưởng của đội, cùng Gregg, Foulkes, Viollet, Wood, Morgans và Scanlon.
Chỉ 13 ngày sau vụ tai nạn, vào ngày 19/2, MU đã quay trở lại thi đấu. Trận đấu thuộc vòng 1/8 FA Cup với Sheffield Wednesday và giành chiến thắng với tỷ số 3-0. Sân vận động Old Trafford chật kín người (58.250 người) để bày tỏ lòng kính trọng đối với đội bóng. Đội hình ra sân trong trận đấu đó gồm hai người sống sót, thủ môn Gregg và hậu vệ Foulkes, 4 cầu thủ có trận ra mắt: Brenan - người ghi 2 bàn, Crowtwer, Taylor và Pearson. 5 người còn lại là thành viên của đội, nhưng hầu như không thi đấu cho đến lúc đó: Greaves, Godwin, Cope, Webster và Dawson (1 bàn).
Kể từ ngày đó, đội thi đấu ở cả ba giải đấu với tinh thần cao nhất có thể. Ở giải VĐQG, CLB xếp thứ 9. Tại FA Cup, đội vào chung kết. Trong trận chung kết, trên sân Wembley, trước 100.000 CĐV, MU để thua Bolton Wanderers 0-2. HLV Matts Busby đã chống nạng, xuất hiện trở lại trước công chúng sau thời gian dài hồi phục và trở lại tốt vào mùa giải tiếp theo. Đội đã đính chiếc khiên đặc biệt trên áo đấu, với hình ảnh một con phượng hoàng bay lên trên ngọn lửa. Còn ở cúp châu Âu, MU đã không gặp may khi bị Milan loại khỏi bán kết.
Là một trong những thành viên còn sống sót sau vụ thảm họa, Bobby Charlton đã thực sự trưởng thành, trở thành một trong những trụ cột giúp tuyển Anh vô địch World Cup 1966 và cùng Man United lần đầu đoạt chức vô địch châu Âu năm 1968 chỉ 10 năm sau vụ thảm họa làm rúng động ngành hàng không cũng như làng bóng đá thế giới.
Trở thành một trong những đội bóng vĩ đại nhất
Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của "Quỷ đỏ" gắn với cái tên Sir Alex Ferguson, vị HLV người Scotland đã dẫn dắt đội bóng này trong 27 năm, giành 13 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 FA Cup, 4 League Cup, 10 danh hiệu Community Shield, 2 lần vô địch Champions League, 1 danh hiệu Cúp C2, 1 Siêu cúp châu Âu và 2 cúp Liên lục địa.
Thảm hoạ Munich là một chương bi hùng trong lịch sử MU, mà mọi cầu thủ thi đấu tại đây đều phải nhớ đến. Năm 2008, trước lễ kỷ niệm 50 năm, Sir Bobby Charlton đã yêu cầu Sir Alex Ferguson gặp riêng các cầu thủ. Ông nói chuyện với họ và tặng mỗi người một DVD về “Busby Babes”. Các cầu thủ MU khi đó đã thực sự bị chấn động. Họ lặng người khi chứng kiến tài năng của các vị tiền bối đoản mệnh. Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Michael Carrick, Nani, Anderson, Park Ji Sung, Patrice Evra… kể lại buổi nói chuyện với Sir Bobby Charlton đã “tác động sâu sắc” đến họ, một nguồn động lực truyền vào tâm trí cầu thủ phần nào đó đã giúp đội hình MU vô địch cả Premier League và Champions League mùa 2007/08.
Tại lễ tưởng niệm "60 năm thảm họa Munich" được tổ chức tại sân Old Trafford ]vào năm 2018, Sir Alex Ferguson đã nhắc nhiều đến hai vị tiền nhiệm Matt Busby và Jimmy Murphy, những người truyền cảm hứng, gieo động lực cho ông khi cầm quân và giành nhiều vinh quang cho MU.
Ông khẳng đinh: "Đoàn quân The Babes là một phần lịch sử của CLB, luôn là tấm gương cho thế hệ cầu thủ sau này phấn đấu. Bi kịch của họ đã để lại cho đời bản hùng ca tuyệt đẹp, ngợi ca những đóng góp từ lối chơi đẹp mắt, quả cảm và hiệu quả. Tinh thần của đội bóng ngày nay bắt nguồn từ những người trẻ của Matt Busby".