Quân sự thế giới hôm nay (6-2): Su-57 sẽ đạt vận tốc Mach 2+, chi tiêu quốc phòng châu Á tăng đột biến
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:53, 06/02/2024
* Nga trang bị động cơ mới cho máy bay chiến đấu Su-57, giúp vượt vận tốc Mach 2 mà không cần “đốt sau” (afterburner)
Không quân Nga dự kiến sẽ bắt đầu nhận một biến thể nâng cấp của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 từ năm 2025. Theo Military Watch, phiên bản Su-57M đã bắt đầu bay thử nghiệm vào năm ngoái và sẽ sử dụng động cơ mới AL-51F. Military Watch cũng khẳng định gần như chắc chắn rằng Su-57M sẽ bắt đầu được sản xuất và bàn giao cho Không quân Nga trước năm 2027.
Mặc dù chưa có nhiều thông tin liên quan đến khả năng của động cơ mới AL-51F, một số nguồn tin quân sự Nga cho biết AL-51F sẽ cho phép máy bay chiến đấu Su-57 đạt tốc độ gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh (Mach 2+) mà không cần sử dụng chức năng “đốt sau”. Hiện máy bay phản lực chiến đấu chiến thuật duy nhất có khả năng bay với vận tốc Mach 2+ là MiG-31 Foxhound, nhưng để đạt được vận tốc này thì MiG-31 cũng phải sử dụng chức năng “đốt sau”.
Máy bay chiến đấu Su-57 sẽ đạt vận tốc gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh. Ảnh: Military Watch |
Với khả năng như vậy, Su-57 có thể phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa và có phạm vi hoạt động xa hơn. Chức năng “đốt sau” khi được kích hoạt sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn và do đó khiến việc bay ở tốc độ siêu thanh không thể thực hiện được trong thời gian dài đối với phần lớn máy bay chiến đấu, làm cho tầm hoạt động của những máy bay chiến đấu sử dụng chức năng này giảm đi đáng kể.
Hiện tại, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất có khả năng bay với tốc độ siêu thanh mà không sử dụng chức năng “đốt sau” là J-20 của Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ J-20 đạt được chỉ nhỉnh hơn Mach 1 một chút. Trong khi đó, chiến đấu cơ F-35 của Mỹ thì không thể bay ở tốc độ siêu thanh nếu không sử dụng bộ “đốt sau”.
Động cơ AL-51F được cho là có chi phí vận hành và sản xuất thấp, được tối ưu hóa cho khả năng tàng hình, đem lại lực đẩy ước tính cao hơn khoảng 8% so với F-119 của Mỹ. Tuy nhiên, ưu điểm chính của AL-51F là yêu cầu bảo trì thấp và sở hữu vectơ lực đẩy ba chiều, giúp cải thiện khả năng cơ động ở tốc độ thấp. Dù phạm vi hoạt động của Su-57 hiện đã gấp đôi F-35 và F-22, nhưng động cơ AL-51F được cho là sẽ còn tiếp tục cải thiện hơn nữa phạm vi này cho Su-57, tối thiểu là thêm gần 10%.
* Chi tiêu quốc phòng của châu Á vượt quá tốc độ tăng trưởng
Năm 2023, chi tiêu quốc phòng của châu Á đạt mức cao kỷ lục 510 tỷ USD. Trung Quốc hiện đang trong quá trình liên tục hiện đại hóa quân đội trong khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á ngày càng gia tăng cho thấy chi tiêu quốc phòng châu Á sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Chi tiêu quốc phòng năm nay của châu Á có mức tăng danh nghĩa là 2,8% so với năm trước và mức tăng thực tế là 4,6%. Tuy nhiên, với việc chi tiêu quốc phòng đang tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng tiếp tục chi tiêu và tính bền vững của các kế hoạch quốc phòng của các quốc gia thuộc châu lục còn là điều khiến các chuyên gia cần phải lưu tâm.
Chi tiêu quốc phòng của châu Á vượt quá tốc độ tăng trưởng. Ảnh: IISS |
Tháng 3-2023, Bắc Kinh công bố ngân sách quốc phòng 1,55 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 219,5 tỷ USD), tăng danh nghĩa so với năm trước là 7,2%, đánh dấu năm thứ 29 liên tiếp Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng. Với việc Trung Quốc chi tiêu quốc phòng luôn cao hơn nhiều nước khác, Military Balance 2024 nhận định Trung Quốc chiếm 43% chi tiêu quốc phòng của châu lục vào năm 2023.
Không chịu lép vế, Nhật Bản cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng. Tháng 11-2022, Tokyo tiết lộ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh lên 2% GDP vào năm 2027, gấp đôi chi tiêu quân sự thường xuyên. Một tháng sau, Nhật Bản ban hành chiến lược an ninh quốc gia cho biết nước này đang phải đối mặt với “môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng nhất” kể từ năm 1945. Đây là động lực chính trong kế hoạch gia tăng chi tiêu quân sự của Tokyo. Điều này dẫn đến việc ngân sách quốc phòng năm 2023 của Nhật Bản tăng mạnh, tập trung vào củng cố năng lực phòng không, phòng thủ tên lửa và phản công tầm xa.
Hàn Quốc cũng tăng ngân sách quốc phòng với kế hoạch chi tiêu trung hạn cho giai đoạn 2024-2028 được Bộ Quốc phòng nước này công bố vào tháng 12-2023. Theo đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề xuất tổng ngân sách cho giai đoạn là 348,7 nghìn tỷ won (266,07 tỷ USD), trong đó có 113,9 nghìn tỷ won (86,91 tỷ USD) chi cho nâng cao năng lực phòng thủ và 234,8 nghìn tỷ won (179,16 tỷ USD) được phân bổ để duy trì nhân sự, thiết bị và cơ sở vật chất. Kế hoạch trung hạn cũng đề xuất mua thêm nhiều vệ tinh trinh sát, tàu ngầm, hệ thống đánh chặn tên lửa hiện đại và phát triển vũ khí điện từ.
Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia ở châu Á đều theo xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng. Trong năm 2023, Ấn Độ chỉ tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm 1,5% so với ngân sách của năm trước. Với tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ là trên 5%, mức tăng 1,5% trên thực tế là giảm chi tiêu theo giá trị thực. Ngoài ra, phần lớn mức tăng danh nghĩa của ngân sách quốc phòng Ấn Độ là dành cho tăng lương hưu quân nhân.
* Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế sau khi Mỹ tấn công các mục tiêu ở Syria, Iraq
Một địa điểm bị Mỹ không kích. Ảnh: Reuters |
Theo Tân Hoa Xã, ngày 5-2, Trung Quốc đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế sau khi quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria và Iraq vào ngày 3-2 vừa qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đưa ra kêu gọi này khi trả lời phóng viên về vấn đề tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Vương lưu ý rằng tình hình hiện tại ở Trung Đông đang rất phức tạp và nhạy cảm và Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, bình tĩnh, kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng trong khu vực, không để căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trước đó, ngày 4-2, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng cảnh báo nguy cơ xung đột bùng phát thành một cuộc “chiến tranh thế giới” nếu các bên không kiềm chế và kiểm soát hoạt động quân sự của mình ở châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)