Chủ thương hiệu Bia Hà Nội lãi xa kế hoạch, gần 4.000 tỷ đồng gửi két ngân hàng

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 06:42, 05/02/2024

Doanh nghiệp chủ thương hiệu Bia Hà Nội vừa ghi nhận lợi nhuận vượt xa kế hoạch năm 2023. Khoản tiền mặt gần 4.000 tỷ đồng đem về cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng lãi gửi ngân hàng.

Tại báo cáo tài chính quý IV/2023 Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (BHN), ghi nhận doanh thu đạt 2.246 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ; lãi gộp giảm 13% còn 542 tỷ đồng, kéo theo biên lãi gộp giảm từ 25% xuống 24%.

Dù vậy, trong kỳ, doanh thu tài chính của Bia Hà Nội tăng mạnh lên 69 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ mất 1 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đều giảm. Do đó, lãi sau thuế của BHN đạt 64 đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Xét kết quả kinh doanh cả năm 2023, BHN đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lãi ròng 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 28% so với năm 2022.

Mặc dù kết quả kinh doanh cả năm giảm so với năm trước nhưng chủ thương hiệu Bia Hà Nội vẫn vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt xa 60% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo lãnh đạo BHN, lợi nhuận cả năm giảm do doanh thu bán hàng giảm, cộng thêm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia. Đồng thời việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn những tháng cuối năm 2023 là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2023, BHN có tổng tài sản 7.139 tỷ đồng, giảm 116 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, BHN đang nắm giữ hơn 1.164 tỷ đồng tiền mặt, tăng gấp đôi so với đầu năm. Cùng với đó, BHN còn hơn 2.724 tỷ đồng được ghi nhận vào khoản mục “đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”.

Như vậy, khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của BHN ghi nhận 3.888 tỷ đồng, tăng 10% và chiếm 54% tổng tài sản. Khoản tiền này mang về cho BHN khoảng 228 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023.

Kết phiên giao dịch ngày 2/2, cổ phiếu BHN đạt 38.550 đồng/cp.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* FMC: Trong quý IV/2023, CTCP Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần 1.253 tỷ đồng và lãi ròng 82 tỷ đồng, tăng tương ứng 3% và 6% so với cùng kỳ.

* TLG: Năm 2023, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Thiên Long đạt 3.462 tỷ đồng và lãi ròng 359 tỷ đồng, giảm lần lượt 2% và 11% so với năm trước, thực hiện được 87% kế hoạch doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận năm.

* FTS: Theo BCTC quý IV/2023, CTCP Chứng khoán FPT lãi trước thuế 64 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Do lãi quý III trước đó tăng đột biến, kéo theo lãi trước thuế cả năm lên 542 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, vượt 29% kế hoạch lợi nhuận năm.

* ELC: CTCP Công Nghệ - Viễn Thông Elcom lãi ròng quý IV gấp 28 lần cùng kỳ, nhờ thực hiện các dự án, hợp đồng giá trị lớn. Kết quả kinh doanh cả năm 2023 ghi nhận doanh thu thuần 980 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước và lãi ròng 77 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước.

* DXS: CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 chỉ đạt gần 2.000 tỷ đồng, giảm 52% so với năm trước. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu từ dịch vụ bất động sản như môi giới giảm mạnh, chỉ gần 648 tỷ đồng, trong khi năm trước hơn 2.300 tỷ đồng. Lỗ ròng hơn 168 tỷ đồng trong năm 2023.

* HUT: CTCP Tasco vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần tăng vọt lên gần 7.795 tỷ đồng, gấp 24,6 lần cùng kỳ; lãi ròng hơn 19 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.

* IPA: CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A công bố BCTC quý IV/2023 với lãi ròng gần 182 tỷ đồng, gần như bù lại cho khoản lỗ hơn 188 tỷ đồng cùng kỳ.

* TNG: Kết thúc tháng 1/2024, doanh thu tiêu thụ của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG ước đạt 523 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 31,7%).

* NVT: Lượng khách đến Đà Lạt, Nha Trang tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm giúp doanh thu của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay tăng thêm 20% so với cùng kỳ, nhưng vẫn lỗ ròng 1,2 tỷ đồng.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 2/2, VN-Index giảm 0,47 điểm (-0,04%) xuống 1.172,55 điểm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 230,56 điểm, UpCOM-Index tăng 0,36 điểm (+0,41%), lên 88,37 điểm.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tăng mạnh trong giai đoạn trước chủ yếu do nhóm ngân hàng dẫn dắt. Chính vì vậy, việc nhóm ngân hàng điều chỉnh và không có dòng lớn dẫn dắt khiến thị trường chưa có nhiều bứt phá gần đây.

Mặc dù thị trường có đợt điều chỉnh và thận trọng trong thời gian gần đây nhưng động lực tăng điểm vẫn còn nhờ diễn biến tăng khá bền vững từ trước Tết dương lịch vừa rồi. Do vậy, thị trường sẽ nhận được tác động hỗ trợ từ đợt tăng trước và giúp thị trường duy trì trạng thái tăng ngắn hạn sau kỳ Tết âm lịch.

Còn theo Chứng khoán Agriseco, xu hướng tăng điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo. Các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu với mục tiêu trung và dài hạn. Việc giải ngân đối với các vị thế trading ngắn hạn chỉ nên được cân nhắc khi chỉ số diễn ra nhịp điều chỉnh với thanh khoản thấp về quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.165 (+-5).

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang có phần gia tăng trở lại, chuyên gia Agriseco cho rằng việc lựa chọn các cổ phiếu được hưởng lợi từ xu hướng trên sẽ giúp hạn chế rủi ro thị trường trong ngắn hạn.