Ba 'bí kíp' để việc vào bếp ngày Tết thật đơn giản
Ẩm thực - Ngày đăng : 10:59, 04/02/2024
Tết với nhiều người là tăng thêm sự mệt mỏi, e ngại vào bếp. Bởi lẽ, thời điểm những ngày cần Tết và trong Tết, các bà, các mẹ thường phải đảm nhiệm sức nặng công việc gần gấp đôi, vì phải nấu nướng để chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên và thiết đãi khách đến nhà.
Để giảm bớt gánh nặng trong những ngày Tết và có nhiều thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi, nhiều chị em đã tìm ra các bí kíp để Tết này "thảnh thơi" mà vẫn giữ trọn không khí đầm ấm, hạnh phúc sum vầy ngày Tết qua những bữa ăn ngon.
Lên thực đơn từ trước Tết
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, ngay từ giữa tháng chạp, chị Nguyễn Thị Kim Liên (34 tuổi, nhân viên văn phòng) đã bắt đầu lên kế hoạch cho mâm cúng những ngày cuối năm và đầu năm mới.
"Nhà mình không thờ Tổ Tiên, nhưng bắt đầu từ 23 tháng chạp âm lịch là phải chuẩn bị mâm cúng tươm tất để đưa ông Táo. Sau đấy thì còn cúng tất niên, cúng đầu năm,... Mấy năm trước không chuẩn bị từ sớm, gần đến ngày là vội vã đi chợ, quên trước quên sau. Chưa kể, do không có sự chuẩn bị nên hầu như năm nào nhà mình cũng làm đơn giản, cho đủ thủ tục chứ không được hoành tráng", chị Liên chia sẻ.
Năm nay, chị Liên sắp xếp lịch trình mua sắm và chuẩn bị các loại nguyên liệu cần thiết cho các bữa cúng từ sớm. Đồng thời, chị cũng không ngần ngại tìm hiểu thêm về cách thực hiện các nghi thức cúng, đặc biệt là cách trình bày mâm cúng sao cho trang nghiêm và đẹp mắt.
Bên cạnh đó, tránh việc phải căng não suy nghĩ thực đơn, cả nhà thích món gì, thực phẩm mua có đủ chuẩn-sạch hay không,... chị Liên lên hẳn thực đơn cho suốt kỳ nghỉ Tết. "Mình hỏi trước xem năm nay cả nhà thích ăn gì, viết ra thực đơn rồi sắp xếp lại theo ý của mình. Chuẩn bị sớm để Tết mình có thể dành nhiều thời gian cho bản thân hơn", chị Liên nói.
Đặt, mua đồ có sẵn
Để giảm bớt áp lực và tiết kiệm thời gian cho những hoạt động khác trong dịp Tết, chị Huỳnh Thị Kim Xuyến (28 tuổi, kế toán) chọn cách sử dụng những thực phẩm được sơ chế sẵn.
Điều này không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình nấu nướng mà còn tạo điều kiện cho chị và mẹ có thêm thời gian để tận hưởng không khí sum vầy bên gia đình và bạn bè.
"Mẹ mình là người chu toàn, mâm cúng hay các bữa ăn trong ngày Tết phải luôn đủ đầy, lại còn phải tự tay nấu, do vậy, Tết năm nào mình và mẹ cũng bận rộn trong bếp từ những ngày cuối năm đến tận mồng 3 Tết.
Năm nay, để mẹ có nhiều thời gian du xuân, trẩy hội mình quyết định mua hoặc đặt thực phẩm đã được sơ chế sẵn. Cần số lượng nhiều để nấu cúng thì mình đặt làm riêng. Lúc nào cần thì mở ra là có thể nấu nướng một cách nhanh chóng", chị Xuyến cho biết.
Đặt dịch vụ đồ cúng
Thay vì lọ mọ làm cơm cúng đủ món từ 30 Tết đến hết mùng Ba, không có cả thời gian để nghỉ trưa, chị Phạm Ngọc Huyền (30 tuổi, kinh doanh) đặt dịch vụ chuẩn bị đồ cúng, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Việc chuẩn bị đồ cúng và mâm cỗ vào dịp Tết luôn là một công việc mất thời gian và công sức. Với lịch trình kinh doanh của chị, thì việc này càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, không riêng gì dịp Tết, suốt 3 năm trở lại đây, lúc nào cần cúng kiếng hay tiệc tùng chị Huyền đều đặt dịch vụ bên ngoài.
"Mình không cần phải lo lắng về việc chọn mua các loại trái cây, bánh kẹo hay đồ cúng sao cho đúng. Mình chỉ cần đặt hàng trực tuyến, bên dịch vụ sẽ chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiếc và giao tận nhà đúng vào ngày mình mong muốn. Điều này giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian chuẩn bị và có thêm thời gian chăm sóc gia đình cũng như lo cho công việc cá nhân", chị Hà cho hay.