Điểm tin kinh doanh 4/2: Giá vàng: Đồng loạt giảm mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 04/02/2024
- Giá vàng: Đồng loạt giảm mạnh
Theo ghi nhận, giá vàng hôm nay 3/2 đồng loạt giảm mạnh, duy trì mốc 78 triệu đồng/lượng và tiếp tục cao hơn so với giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 18 triệu đồng/lượng...
Cụ thể, theo ghi nhận vào chiều 3/2, giá vàng trên thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 75,600 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 600.000 đồng/lượng) và 78,120 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 400.000 đồng/lượng so với hôm 2/2).
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 75,950 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 100.000 đồng/lượng) và 78,250 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 200.000 đồng/lượng so với hôm 2/2).
Tương tự, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh cũng đang mua vào với 75,950 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) và 78,250 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 200.000 đồng/lượng so với hôm 2/2).
Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh cũng đang mua vào ở mức 63,200 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng) và bán ra ở mức 64,400 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Vàng PNJ tại Hà Nội cũng giao dịch ở mức 63,200 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với giá hôm 2/2).
Giá vàng miếng Phú Quý SJC cũng giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra; hiện đang niêm yết ở mức 75,700 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra với giá 78,150 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC được Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 76-78,200 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày 2/2.
Giá vàng tại Bảo Tín Mạnh Hải cũng đang được giao dịch ở mức 76-78,200 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày 2/2.
Như vậy, giá vàng hôm 3/2 đồng loạt giảm mạnh, duy trì mốc 78 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện cao hơn khoảng 18 triệu đồng/lượng.
- Tổng giám đốc SHS xin nghỉ đi chữa bệnh
HĐQT CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã ban hành quyết định chấp thuận cho thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Vũ Đức Tiến theo nguyện vọng của cá nhân.
Theo thông tin từ SHS, sau thời gian 10 năm gắn bó (2014-2024), ông Vũ Đức Tiến có nguyện vọng xin nghỉ để đi chữa bệnh, nhưng vẫn sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò là Thành viên HĐQT.
Ông Vũ Đức Tiến có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính đã đồng hành cùng sự phát triển của SHS kể từ ngày đầu thành lập và chính thức đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc kể từ ngày 15-9-2014.
Sau 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Tiến, SHS đã trở thành một trong 6 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Người được bổ nhiệm thay cho ông Vũ Đức Tiến là ông Nguyễn Chí Thành, hiện đang là Phó Tổng giám đốc. Toàn bộ công việc quản trị, điều hành tại SHS sẽ được giao lại cho ông Thành đảm nhận kể từ ngày 5-2 tới khi UBCKNN) chính thức chấp thuận.
- ACV trích dự phòng phải thu khó đòi hơn 3.600 tỷ từ 3 hãng hàng không
ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không (chủ yếu ở Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines).
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2023, doanh thu thuần của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng 24% so với cùng kỳ lên 5.047 tỷ đồng. Mảng cung cấp dịch vụ hàng không đem về gần 4.068 tỷ đồng, chiếm 80% doanh thu thuần và tăng 20%. Mảng dịch vụ phi hàng không và bán hàng lần lượt chiếm 14% và 6%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.323 tỷ đồng, tăng 54%, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 1.075 tỷ. Tại cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không (chủ yếu ở Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines), chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng.
Trừ các chi phí khác, lãi ròng quý 4 của ACV đạt 1.561 tỷ, tăng thêm 25% so với cùng kỳ.
- HoSE lưu ý khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu HBC, POM, HNG
HBC, POM liên tục chậm nộp báo cáo tài chính năm (đã kiểm toán) trong khi HNG nối dài lỗ kinh doanh là lý do HoSE lưu ý về khả năng các mã cổ phiếu này có thể bị hủy niêm yết.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có lưu ý về việc cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC); CTCP Thép POMINA (HoSE: POM) và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) có khả năng bị hủy niêm yết.
Cụ thể, HoSE đã có văn bản gửi Xây dựng Hòa Bình để lưu ý về việc cổ phiếu này có thể bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm quy định về niêm yết.
Hiện cổ phiếu HBC đang trong diện kiểm soát của HoSE với lý do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm đã qua kiểm toán trong 2 năm liên tiếp. Theo quy định của Sở Giao dịch, nếu chậm nộp liên tiếp 3 năm, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tương tự HBC, HoSE cũng có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu ngành thép Pomina (POM). Trong đó, HoSE lưu ý POM đã nằm trong diện kiểm soát. Lý do cũng giống như cổ phiếu HBC của Xây dựng Hoà Bình, HoSE lưu ý nếu chậm thêm 1 lần nữa, cổ phiếu POM sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết.
Với cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico, HoSE đang cho cổ phiếu này vào diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đã âm liên tiếp hai năm 2021-2022. Theo báo cáo tài chính của HAGL Agrico, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là âm 3.576 tỷ đồng và năm 2021 là âm 1.119 tỷ đồng.
HoSE nói thêm ngày 30/1, cơ quan đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của HAGL Agrico và đã công bố thông tin ra thị trường. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của cổ đông công ty mẹ doanh nghiệp này là âm 1.050 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là âm 8.053 tỷ đồng.
Theo quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết khi xảy ra trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do đó, HoSE gửi văn bản lưu ý về việc cổ phiếu HNG của HAGL Agrico có thể bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty vẫn tiếp tục báo kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
- Dragon Capital bán 18 triệu cổ phiếu MWG, giảm sở hữu dưới 6%
Sau giao dịch, sở hữu của cả nhóm quỹ giảm từ 87,75 triệu đơn vị (tỷ lệ 6%) xuống còn 87,40 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,97%).
Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), nhóm quỹ Dragon Capital báo cáo đã bán 346.000 cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động trong phiên 29/1.
Cụ thể, quỹ thành viên Hanoi Investments Holdings Limited bán 46.000 đơn vị và Norges Bank bán 300.000 đơn vị.
Sau giao dịch, sở hữu của cả nhóm quỹ giảm từ 87,75 triệu đơn vị (tỷ lệ 6%) xuống còn 87,40 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,97%). Trong phiên 29/1, cổ phiếu MWG ghi nhận giao dịch thỏa thuận với số lượng 764.000 đơn vị và tổng giá trị gần 34,2 tỷ đồng (giá bán bình quân 44.745 đồng/cp).
Tính theo số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngày 1/11/2023 là 105,17 triệu đơn vị, Dragon Capital đã bán ròng tổng cộng khoảng 17,8 triệu cổ phiếu MWG trong 3 tháng, hạ tỷ lệ sở hữu từ 7,19% xuống còn 5,97% ở hiện tại.
Trên thị trường, giá cổ phiếu MWG lình xình đi ngang trong nửa tháng qua. Thị giá MWG ở mức 47.400 đồng/cp kết phiên 2/2.