Tại sao tổ hợp tên lửa phòng không Viking khác biệt tại Ukraine?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 14:51, 03/02/2024
Tổ hợp tên lửa phòng không Viking. |
Khả năng hoạt động trong hệ thống hợp nhất hay đơn lẻ trong các cuộc phục kích phương tiện bay của đối phương cho thấy tổ hợp tên lửa Buk là vũ khí rất lợi hại khi được sử dụng với chiến thuật hợp lý, trong đó có biến thể nâng cấp Buk-M3.
Được thiết kế và phát triển bởi tổ hợp thiết kế Almaz-Antey, Buk-M3 bắt đầu được trang bị cho Quân đội Nga từ năm 2016 và được xúc tiến xuất khẩu tại Diễn đàn quân sự quốc tế Army 2019 với tên gọi Viking.
Điểm khác biệt lớn nhất của phiên bản Viking so với các thế hệ Buk trước đó là hệ thống máy tính điều khiển hoàn toàn mới cung cấp khả năng phân tích và xử lý dữ liệu băng thông rộng giúp tổ hợp phản ứng nhanh và chuẩn xác trong môi trường tác chiến phức tạp hoặc bị tác chiến điện tử mạnh.
Cùng với đó, đạn đánh chặn của tổ hợp được thiết kế lại đặt trong ống phóng kiêm bảo quản giúp tăng khả năng bảo vệ và thời gian phục vụ. Số đạn trên mỗi xe phóng cũng tăng gấp đôi để cải thiện hiệu suất tác chiến. Tổ hợp Viking sử dụng 2 dòng đạn tên lửa đánh chặn nhiên liệu rắn 9M317 và 9M317M có dải hoạt động rộng từ chống lại UAV bay thấp tới các mục tiêu siêu thanh như tên lửa đạn đạo có tốc độ bay tới 3.000m/giây.
Do là vũ khí phòng không lục quân, toàn bộ hệ thống Viking được đặt trên khung gầm xe bánh xích có khả năng việt dã cao. Một tiểu đoàn Viking bao gồm 6 xe phóng, đài radar và trung tâm chỉ huy có thể cùng lúc theo dõi và tiêu diệt 36 mục tiêu ở cự ly tới 100km và trần cao đánh chặn lên tới 40km. Khả năng chiến đấu của Viking cũng có thể mở rộng nhờ kết nối vào hệ thống chỉ huy hợp nhất cho phép chủ động đón lõng đường bay của mục tiêu trong phạm vi tác chiến.
Tại chiến trường Ukraine, phiên bản Viking “nội địa” đã chứng minh là loại vũ khí phòng không lục quân hiệu quả với tỷ lệ đánh chặn thành công đạt trên 90%.
TUẤN SƠN