Nghịch lý cuồng nhiệt bóng đá và bản quyền truyền hình
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 19:36, 02/02/2024
Theo Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), khán giả Việt Nam có tỉ lệ xem vòng bảng Asian Cup nhiều nhất qua truyền hình.
Trong số 36 trận đấu vòng bảng Asian Cup 2023, Việt Nam dẫn đầu với 200 triệu lượt xem, tăng 84% so với giải đấu năm 2019.
Năm 2022, theo chuyên trang thống kê Nielsen, Việt Nam có 75% số người được khảo sát yêu thích bóng đá, dẫn đầu châu Á. Đây là thông số đánh giá sự cuồng nhiệt bóng đá ở một số quốc gia.
Đấy cũng là năm mà bóng đá Việt Nam cấp độ U23 và đội tuyển quốc gia đã giành được nhiều thành tích dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo.
Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam luôn cần sự đồng hành, ủng hộ từ khán giả. Điều này giúp hình ảnh đội tuyển được nâng tầm.
Thế nhưng, việc khai thác nguồn lợi từ bản quyền truyền hình từ khán giả Việt Nam lại không hề dễ dàng. Ngay tại Asian Cup 2023, dù đơn vị truyền hình trong nước phải trả nhiều tiền để mua bản quyền phát sóng nhưng các trận đấu vẫn được chiếu trên các kênh truyền hình quảng bá tại Việt Nam.
Trước đó, các giải đấu lớn như World Cup 2022 và sắp tới là EURO 2024 cũng sẽ được phát trên các kênh quảng bá.
Theo số liệu từ SimilarWeb, khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỉ lượt xem trong những năm 2022, 2023 tại Việt Nam. Con số cho thấy, người dân vẫn giữ thói quen xem "lậu" bóng đá thay vì trả tiền xem bóng đá. Đó cũng là vấn đề khiến các đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình khá đau đầu trong thời gian qua.
Tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023 vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, vấn đề khai thác nguồn thu từ bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao cũng được đưa ra thảo luận.
Khán giả quan tâm tới các giải đấu thể thao, thế nhưng để sẵn sàng trả tiền xem truyền hình thường xuyên, tương ứng với số lượng hâm mộ lại là bài toán khó.