Điểm tin kinh doanh 3/2: Giá vàng: Tiếp đà tăng mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 03/02/2024

Trước loạt rủi ro địa chính trị, người dân toàn cầu tích cực trữ vàng; Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lãi gấp 14 lần
gia-vang-hom-nay-ngay-19-1-17056414879251938215727.jpg

- Giá vàng: Tiếp đà tăng mạnh

Giá vàng hôm 2/2 tiếp tục tăng mạnh, từ 350 đến 400 nghìn đồng/lượng, vượt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng.

Tính đến 13 giờ 20 phút ngày 2/2, vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được mua vào ở mức 76,25 triệu đồng/lượng (tăng 400.000 đồng/lượng); bán ra 78,65 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với ngày hôm 1/2.

Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng được mua vào 76,4 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng; bán ra 78,72 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với ngày hôm 1/2.

Giá vàng SJC của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý mua vào ở mức 76,45 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng); bán ra 78,65 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với một ngày trước đó.

Giá vàng PNJ TP Hồ Chí Minh giao dịch ở mức 63,25 triệu đồng/lượng mua vào, vàng PNJ Hà Nội giao dịch quanh ngưỡng 64,45 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng thế giới đứng ở mức 2.053 USD/ounce, tăng mạnh 12 USD/ounce so với cùng giờ sáng trước đó. Vàng vẫn giữ vững vị trí của mình ngay cả khi tuyên bố chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hỗ trợ đà tăng giá của đồng USD.

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn chưa có tín hiệu giảm nhiệt mà vẫn theo xu hướng gia tăng. Đây là yếu tố giúp vàng được duy trì ở mức giá cao, vững chắc trên ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Theo đánh giá của bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu ổn định từ các ngân hàng trung ương một lần nữa hỗ trợ nhu cầu vàng trong năm nay và giúp bù đắp sự yếu kém ở các lĩnh vực khác của thị trường, làm cho nhu cầu vàng trong năm nay cao hơn mức trung bình 10 năm.

- Trước loạt rủi ro địa chính trị, người dân toàn cầu tích cực trữ vàng

Trong báo cáo đưa ra mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu mua vàng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 khi căng thẳng địa chính trị dai dẳng và sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.

Theo đó, tổng giao dịch vàng đứng ở mức 4.899 tấn vào năm ngoái. Trong năm 2022, con số này là 4.741 tấn vào năm 2022.

Ông Shaokai Fan, người đứng đầu ngân hàng trung ương tại WGC cho biết, yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng lớn nhất vào năm 2023 là chiến sự Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas cũng như sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, và những điều này có thể tiếp tục thúc đẩy giá kim loại này tăng cao vào năm 2024.

Giá vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.100 USD/ounce vào tháng 12/2023 khi các ngân hàng trung ương cũng như các nhà đầu tư bán lẻ tăng cường mua vàng, lượng mua của ngân hàng trung ương đã vượt quá 1.000 tấn trong hai năm liên tiếp.

“2023 là năm cao thứ hai trong lịch sử mua vàng của ngân hàng trung ương, gần bằng mức cao kỷ lục vào năm 2022”, ông Fan cho hay.

- Đơn đặt hàng xếp dài, cổ phiếu Ferrari 'phi nước đại'

Nhà sản xuất xe thể thao hạng sang Ferrari đã trấn an các nhà đầu tư rằng doanh thu và thu nhập cốt lõi của công ty sẽ tiếp tục tăng trong năm nay nhờ các đơn đặt hàng "xếp dài" tới tận năm 2025.

Theo Giám đốc điều hành Benedetto Vigna, “sự mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của Ferrari một lần nữa được xác thực bởi số đơn đặt hàng vốn vẫn mạnh mẽ trên tất cả các khu vực địa lý và kéo dài cho tới năm 2025”.

Theo đó, Ferrari hầu như đã đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2023 và đưa ra dự kiến thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao (EBITDA) đã điều chỉnh sẽ tăng lên ít nhất 2,45 tỷ EUR (2,64 tỷ USD) trong năm 2024.

Các nhà phân tích của Bernstein cho biết Ferrari gần đây đã hạn chế kỳ vọng về thu nhập nên hướng dẫn cho năm 2024 "thực sự có thể khiến các nhà đầu tư nhẹ nhõm", vì trước đó nhiều người lo ngại tương lai của Ferrari không quá sáng lạn trong năm 2024.

meta-platforms-company-with-products-2hm501g.jpg

- Mark Zuckerberg dự kiến nhận 700 triệu USD cổ tức mỗi năm từ Meta

Meta Platforms vừa công bố kế hoạch trả cổ tức quý cho cổ phiếu phổ thông hạng A và hạng B vào ngày 26/3 tới. Đây là chương trình trả cổ tức đầu tiên của công ty này kể từ khi niêm yết. Theo đó, công ty mẹ Facebook sẽ trả 50 cent cho mỗi cổ phiếu thuộc hai hạng trên.

“Chúng tôi dự định từ nay trở đi sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt hàng quý”, Meta cho biết công một thông cáo. Thông tin này lập tức đẩy giá cổ phiếu Meta tăng hơn 14% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 1/2.

Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, với kế hoạch này, ông Mark Zuckerberg – người đồng sáng lập kiêm CEO của Meta, người đang nắm khoảng 350 triệu cổ phiếu – sẽ nhận được khoảng 175 triệu USD trước thuế mỗi quý trước thuế, tức 700 triệu USD mỗi năm.

Năm 2022, ông Zuckerberg nhận lương thưởng 27,1 triệu USD từ Meta, bao gồm chi phí an ninh cho cá nhân và gia đình ông. Lương cơ bản của vị CEO này hiện là 1 USD. Meta hiện chưa công bố lương thưởng năm 2023 dành cho lãnh đạo công ty.

- Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lãi gấp 14 lần

Doanh nghiệp do Chủ tịch Nguyễn Đức Tài điều hành đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng, mức lãi kế hoạch cao gấp 14 lần thực hiện năm 2023.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố định hướng kinh doanh doanh năm 2024 với doanh thu thuần hợp nhất 125.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng.

So với kết quả thực hiện năm 2023, doanh thu thuần mục tiêu chỉ tăng 6%, nhưng lãi ròng tăng vọt 1.300%.

Ngoài ra, Thế Giới Di Động kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng doanh số online. Ước tính tỷ trọng đóng góp của online trên doanh thu của các ngành hàng công ty đang kinh doanh được cải thiện 5-30% tùy thuộc vào đặc tính của từng ngành hàng.

Việt Báo (Tổng hợp)