Tiềm năng trang bị UAV tự sát trên tàu hải quân
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:02, 02/02/2024
Kinh nghiệm của các bên sử dụng loại vũ khí này trong các cuộc xung đột, chiến dịch quân sự từ chiến trường ở Syria, Iraq cho đến Ucraina gần đây đã cho thấy ưu thế của loại vũ khí này so với vũ khí khác như tên lửa, máy bay… bí mật, rẻ tiền, chính xác cao, nhưng ít gây ra tổn thất cho xung quanh, rất khó phát hiện và đánh chặn và đặc biệt là tính bất ngờ về nơi xuất phát. Nhiều trường hợp chúng còn có thể sử dụng trong những tình huống nằm ở ranh giới của hoà bình và chiến tranh.
UAV tự sát có tiềm năng rất lớn tích hợp vào các hệ thống tác chiến hải quân và một số quốc gia, trong đó có Nga đã đưa vào sử dụng trong thực chiến. Ảnh: Defense News. |
Vì những lý do như trên, việc đưa UAV tự sát vào trang bị như là một loại vũ khí tiêu chuẩn cho tàu hải quân chỉ còn là vấn đề thời gian. Những nước tự chủ được công nghệ chế tạo UAV dù chưa công khai, nhưng trên thực tế đang tiến hành nghiên cứu và đã có những thử nghiệm theo hướng này. Theo nhiều thông tin cả chính thức và không chính thức, Hải quân Nga đã tiến hành thử nghiệm triển khai UAV tự sát trang bị trên tàu chiến trong điều kiện tác chiến thực tế ngay từ năm 2021 ở chiến trường Syria. Việc trang bị UAV tự sát cho tàu hải quân gần đây đã giành được nhiều sự quan tâm đang được thảo luận khá nghiêm túc.
UAV tự sát (kamikaze drone) còn có một số tên gọi khác như: Đạn tuần kích (loitering munition) và đạn bắn chặn/yểm hộ (barraging munition) do có đặc điểm hoạt động là khi được phóng đi chúng sẽ duy trì bay trên không ở gần mục tiêu, sau khi đã xác định đúng mục tiêu cần tiêu diệt (tự động hoặc được chỉ thị) sẽ lao vào mục tiêu và phát nổ đầu đạn mang theo. Một trong những minh chứng cho sự hiệu quả của UAV tự sát trên chiến trường hiện nay chính là Lancet, một sản phẩm do Zala Aero, một công ty con của Tập đoàn vũ khí Kalashinikov sản xuất.
Để trang bị UAV tự sát cho tàu hải quân phải giải quyết 2 bài toán cơ bản về kỹ thuật-công nghệ và phương pháp tác chiến. Trong đó, về kỹ thuật, các giá phóng và phương tiện hỗ trợ đưa UAV tự sát lên không khá đơn giản và gọn nhẹ nên việc tích hợp chúng lên các chiến hạm không quá khó khăn và ảnh hưởng tới kết cấu của tàu.
Về tác chiến, mục tiêu đánh của UAV tự sát trên tàu hải quân sẽ là các mục tiêu trên bờ (trạm radar, trận địa phòng không, trận địa hỏa lực bờ, sân bay, mục tiêu khác); mục tiêu mặt nước như tàu, xuồng cao tốc chở đặc nhiệm…
UAV tự sát Lancet-3 của Nga. Ảnh: Zala. |
Trong tác chiến, chiến hạm mang UAV tự sát sẽ tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách vừa đủ, trong tầm hoạt động của UAV tự sát, như đối với UAV Lancet là khoảng 30-70km để phóng chúng lên không trung. Phương pháp sử dụng chiến đấu sẽ theo 3 giai đoạn như sau:
(1) Tàu mang phóng hàng loạt UAV tự sát.
(2) Các UAV tự sát bay đến khu vực tác chiến, bay lượn lảng vảng tại đó chờ chỉ thị hoặc tự xác định lại chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.
(3) Các UAV lao vào tiêu diệt các loại mục tiêu trên bờ và trên mặt nước theo lệnh của người điều khiển hoặc tự động hóa nhờ trí tuệ nhân tạo.
Ở phiên bản UAV tự sát Lancet-3 của Nga, chúng đã được trang bị công nghệ này giúp phân biệt, nhận dạng và tấn công mục tiêu theo ưu tiên. Trong tương lai, UAV tự sát có thể tự động tấn công bầy đàn khiến tối đa hóa khả năng tiêu diệt mục tiêu và rất khó bị ngăn chặn.
MINH NGỌC