Bộ trưởng TN-MT yêu cầu tập trung nguồn lực hướng dẫn Luật Đất đai
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:14, 01/02/2024
Ngày 1/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh vừa chủ trì hội nghị triển khai công tác năm 2024 của 3 đơn vị gồm Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Vụ Đất đai (đều được thành lập sau khi xóa bỏ Tổng cục Quản lý đất đai).
Tại đây, ông Khánh đánh giá cao và biểu dương các kết quả đã đạt được của 3 đơn vị trong năm 2023, nhất là việc xây dựng, phối hợp giải trình, tiếp thu trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - một bộ luật khó, có tác động lớn tới mọi tầng lớp nhân dân và đang được dư luận xã hội đánh giá cao.
Chia sẻ một số điểm mới của luật về thu hồi đất, đất đa mục đích, tài chính đất đai, đền bù, hỗ trợ tái định cư, đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng các quy định đó đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm tiền đề cho địa phương giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc, góp phần đưa đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nói về nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ trưởng Khánh nhận định, 3 đơn vị có khối lượng công việc rất lớn, trọng tâm nằm ở xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó phải tập trung nhân lực, xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật theo đúng kế hoạch.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu 3 đơn vị trên tập trung xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thi hành luật ở các địa phương để tạo sự thống nhất trong thi hành.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, mặc dù 3 đơn vị mới thành lập nhưng tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều nhiệm vụ đột xuất cũng đã được hoàn thành theo đúng chỉ đạo, đảm bảo chất lượng.
3 đơn vị đã phối hợp tổ chức tổng hợp, tiếp thu, giải trình hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân, ý kiến của Đại biểu quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tại kỳ họp thứ 5, thứ 6.
Đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013; rà soát, sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014 quy định về giá đất và Thông tư số 36/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất…
Bà Mỹ khẳng định, 3 đơn vị sẽ phấn đấu hoàn thành 100% văn bản thuộc chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra. Trong đó, ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật.
Các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình xây dựng văn bản.
Sáng 18/1 vừa qua, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao.
Trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, có lẽ chưa dự án nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì.